Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Bảo tàng kiến trúc của Đà Lạt''

Bài và ảnh: Hà Thành| 11/06/2022 06:21

(HNMCT) - Đà Lạt được coi là một “bảo tàng kiến trúc” bởi sự đa dạng về thể loại công trình và phong cách kiến trúc. Theo đó, dinh 3 Đà Lạt (hay Biệt điện Mùa hè của vua Bảo Đại) là công trình có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc và lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử.

Dinh 3 - Biệt điện Mùa hè của vua Bảo Đại ở Đà Lạt.

Dấu ấn cuối cùng của vương triều Nguyễn

Dinh 3 Đà Lạt tọa lạc trên một ngọn đồi cao 1.540m so với mực nước biển, trong rừng Ái Ân đầy thơ mộng, hiện thuộc phường 4, thành phố Đà Lạt, thủ phủ tỉnh Lâm Đồng. Cái tên “dinh 3” được gọi để phân biệt với “dinh 1” và “dinh 2” đều thuộc hệ thống dinh Bảo Đại ở Đà Lạt. Tuy nhiên, dinh 3 là công trình được bảo tồn nguyên vẹn hơn cả bởi yếu tố lịch sử của nó.

Công trình được xây dựng từ năm 1933-1938. Tác giả thiết kế là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và kiến trúc sư người Pháp Paul Veysseyre. Vật liệu xây dựng được đem tới từ Pháp và miền Trung Việt Nam. Công trình có phong cách kiến trúc hiện đại châu Âu, với không gian sân vườn rộng lớn bao quanh. Kiến trúc công trình không có sự đăng đối như thường thấy mà mang phong cách linh hoạt với những đường cong duyên dáng. Công trình có mặt bằng trải dài, thấp tầng nên không gian khá hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Dinh có diện tích khoảng 1.000m2, gồm 2 tầng với 26 phòng lớn nhỏ. Tầng trệt là nơi tiếp khách, làm việc, ăn uống. Tầng lầu là phòng ngủ và nơi giải trí, sinh hoạt gia đình. Tất cả các phòng đều có cửa sổ mở ra không gian sân vườn xanh mát bên ngoài.

Từ năm 1938-1945, thời gian Bảo Đại còn tại vị, ông dùng dinh này để làm việc, nghỉ mát và săn bắn vào mùa hè. Vì vậy, dinh 3 còn được gọi là “Biệt điện Mùa hè”. Từ năm 1949 - 1954, với định chế đất Tây Nguyên là “Hoàng triều Cương thổ”, Bảo Đại làm Quốc trưởng, ông đóng đô và làm việc ở đây nên dinh này còn được gọi là “Biệt điện Quốc trưởng”. Sau sự kiện Hiệp định Genève năm 1954, Bảo Đại sang Pháp sống lưu vong. Vì thế, nơi đây được coi là nơi ghi dấu ấn cuối cùng của vương triều Nguyễn và là nơi kết thúc triều đại phong kiến Việt Nam. Tới thời Việt Nam Cộng hòa, tổng thống Ngô Đình Diệm lấy nơi này làm nơi nghỉ mát, đặt tên là “Nghinh Phong lâu”, sau đó tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tiếp quản và đặt tên là “Thanh Sơn”. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, dinh thuộc sự quản lý của Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Lâm Đồng; sau đó được giao cho Công ty Du lịch dịch vụ Xuân Hương quản lý từ giữa năm 2000. Hiện nay, dinh thuộc cơ quan Nhà khách Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Dinh 3 hiện còn lưu giữ và bảo tồn gần như nguyên vẹn không gian sống, làm việc của vua Bảo Đại trong thời kỳ 1938-1954, gồm: Phòng tiếp khách, làm việc; phòng khánh tiết (phòng họp của Chính phủ Hoàng triều Cương thổ); phòng ngủ của vua, hoàng hậu và các công chúa, hoàng tử... Đặc biệt, trong dinh hiện còn lưu giữ nhiều kỷ vật của gia đình vua Bảo Đại như chiếc đàn piano, ấn tín quân sự, ngọc tỷ của Hoàng đế; tượng vua Bảo Đại và vua cha Khải Định; bức trướng “Độc lập - Thống nhất” cùng những sản vật mà vua Bảo Đại săn bắt được ở Tây Nguyên...

Điểm tham quan du lịch thu hút khách

Biệt điện Mùa hè của vua Bảo Đại là một trong những công trình nổi tiếng nhất ở Đà Lạt. Cùng với các công trình: Nhà ga Đà Lạt, Trường Cao đẳng Sư phạm, Nhà thờ Chính tòa..., đây là công trình tiêu biểu tạo nên diện mạo kiến trúc đô thị và là điểm tham quan không thể bỏ qua đối với du khách. Tới thăm dinh 3, du khách không những được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc tuyệt mỹ trong khung cảnh thiên nhiên lãng mạn, mà còn có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện lịch sử liên quan đến vua Bảo Đại cùng gia đình và triều Nguyễn. Sau khi tham quan, du khách có thể trải nghiệm mặc áo hoàng tộc chụp ảnh trên ngai vua hoặc cưỡi ngựa, đi xe ngựa vòng quanh dinh để chiêm ngưỡng nét kiến trúc cổ của  Đà Lạt.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc điều hành dinh 3 cho biết: Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi năm di tích này đón khoảng 500.000 lượt khách. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng khách có giảm nhưng đây vẫn là điểm du lịch thu hút khách hàng đầu ở Đà Lạt. “Dinh 3 là công trình được bảo tồn tốt nhất trong những dinh ở Đà Lạt nói riêng và các di tích nói chung. Chúng tôi ý thức rất rõ những giá trị lịch sử của công trình này nên luôn thực hiện công tác bảo tồn một cách tốt nhất. Thực tế, còn nhiều hiện vật không được trưng bày trong dinh. Để bảo đảm an toàn, một số được gửi ở Kho bạc Nhà nước, một số chuyển sang trưng bày ở Bảo tàng Lâm Đồng. Công tác bảo dưỡng, trùng tu được thực hiện thường xuyên để đảm bảo sự bền vững cho công trình kiến trúc cũng như các hiện vật trưng bày” - ông Hạnh chia sẻ.

Thời gian và lịch sử đã khiến nhiều thứ đổi thay, nhưng những giá trị còn lại ở Biệt điện Mùa hè đã khiến nơi này xứng đáng là “Bảo tàng kiến trúc của Đà Lạt”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Bảo tàng kiến trúc của Đà Lạt''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.