Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tàng Hà Nội tự cứu mình

Minh Ngọc thực hiện| 29/05/2013 06:42

(HNM) - Do gặp nhiều khó khăn, Bảo tàng Hà Nội (BTHN) chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng tham quan, học tập, nghiên cứu của đông đảo công chúng sau gần ba năm đi vào hoạt động.

Khách tham quan Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng



- Thưa ông, BTHN là thiết chế văn hóa lớn nhưng sau gần ba năm đi vào hoạt động, không ít khách tham quan "than phiền" về công tác trưng bày còn nghèo nàn, chưa toát lên được chiều sâu lịch sử, văn hóa của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

- Nhận xét của khách tham quan khiến tôi rất mừng vì công chúng không quên "phần lõi" - nội dung trưng bày của bảo tàng. Đánh giá ấy của người xem là khách quan bởi họ đã tham quan nhiều bảo tàng trong nước, quốc tế và có sự so sánh. Chúng tôi cũng đang băn khoăn, trăn trở về điều đó và cố gắng tìm hướng đi cho bảo tàng .

- Ông có thể cho biết nguyên nhân nào khiến BTHN "ì ạch" lâu thế?

- "Sinh sau đẻ muộn" nên một số hiện vật BTHN cần có lại thuộc sở hữu của các bảo tàng "đàn anh". Hiện vật BTHN hiện có tuy nhiều nhưng chưa đủ, nhất là hiện vật ở thời kỳ tiền Thăng Long, phục vụ cho nội dung trưng bày Thăng Long - Thời đại Việt và hiện vật thời kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thêm nữa, theo phương án thiết kế, BTHN sẽ hoàn thiện nội dung trưng bày vào năm 2015 cho nên công tác trưng bày hiện chỉ mang tính chất tạm thời. Cơ chế cho BTHN hoạt động dịch vụ, tổ chức các sự kiện văn hóa, vui chơi, giải trí phục vụ khách tham quan theo Điều 48 của Luật Di sản đến nay vẫn chưa có… Đáng nói hơn, một phần không nhỏ hiện vật cần lại thuộc sở hữu của các nhà sưu tập tư nhân, BTHN muốn mua lại cũng khó vì Hội đồng Thẩm định giá hiện vật đã được UBND TP Hà Nội cho phép thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động; công tác đăng ký cổ vật, hiện vật làm cơ sở cho việc định giá hiện chưa được khuyến khích…

- Vậy tại sao trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nơi này từng rất sôi động, hấp dẫn du khách, thưa ông?

- Thời kỳ đó, thành phố Hà Nội tổ chức đợt phát động hiến tặng hiện vật cho BTHN chào mừng Đại lễ. Sau một thời gian phát động, BTHN nhận được gần 3.000 hiện vật giá trị của các tổ chức, cá nhân từ khắp mọi miền đất nước gửi về. Một phần đã được trưng bày trong dịp Đại lễ, gây ấn tượng mạnh với khách tham quan. Bên cạnh đó, thành phố cũng khuyến khích các nhà sưu tập tư nhân đưa hiện vật vào trưng bày trong bảo tàng. Với tấm lòng hướng về Thủ đô, họ đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng chi phí cho việc trưng bày dịp này.

- Có vẻ như, nhiều khó khăn đang chồng chất và vượt qua không phải là điều dễ dàng, BTHN có kế hoạch gì trong thời gian tới?

- Chúng tôi phải tìm cách vượt qua, dù không dễ dàng. Trong thời gian chờ đợi công tác trưng bày được hoàn chỉnh, không có cách nào khác, BTHN phải đổi mới để tự "cứu" mình. Từ tháng 6, BTHN sẽ từng bước hoàn thiện nội dung trưng bày ngoài trời thông qua các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian tiêu biểu, đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội. BTHN sẽ mời các nghệ nhân của các làng nghề tiêu biểu hoặc các địa phương có di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc ở Hà Nội làm "nhân vật chính" của các hoạt động này. Các nghệ nhân sẽ vừa trình diễn, giới thiệu, vừa hướng dẫn công chúng cách làm các sản phẩm thủ công truyền thống, cách chơi, cách trình diễn các sinh hoạt văn hóa dân gian, giúp công chúng hiểu hơn về chiều sâu văn hóa của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Song song với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, BTHN sẽ dùng ngôn ngữ của bảo tàng phục chế các hiện vật điển hình về văn hóa, kiến trúc của Thăng Long - Hà Nội như: Bệ đá hoa sen thời Trần ở chùa Bối Khê, trâu buồn, hạc rủ ở đền thờ Đào Quang Nhiêu (Thanh Oai), ngựa đá ở lăng Quận Vân (Thường Tín), thủy đình ở chùa Thầy (Quốc Oai), cột đá ở chùa Xã Đàn (Đống Đa)… đưa về trưng bày trong khuôn viên BTHN nhằm mang tới cho công chúng cái nhìn trực quan, sinh động về phong cách kiến trúc, văn hóa của Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử. Dự kiến, nội dung trưng bày ngoài trời sẽ hoàn thiện trong năm 2013.

Chuẩn bị hiện vật cho công tác trưng bày bên trong theo thiết kế, BTHN sẽ tổng kiểm kê hiện vật trong kho xem cái gì thiếu thì mua, sưu tầm, vận động hiến tặng hoặc bảo tàng hóa hiện vật; khuyến khích các tổ chức, cá nhân giao nộp hiện vật tìm thấy trong lòng đất. Ngoài ra, BTHN sẽ phối hợp với một số trường học trên địa bàn tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu về lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội thông qua các hoạt động trưng bày, sau đó viết cảm nghĩ. Hiện, BTHN đang thoàn thiện nội dung trang web giới thiệu để công chúng biết đến Bảo tàng nhiều hơn. Song như trên tôi đã nói, nguồn hiện vật của BTHN hiện nay vẫn thiếu, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng có cơ chế, chính sách hỗ trợ; các bảo tàng, nhà sưu tập tư nhân cùng phối hợp để làm cho nó phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu của khách tham quan.

- Trân trọng cảm ơn ông và mong những kế hoạch đổi mới của BTHN sớm được công chúng đón nhận!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng Hà Nội tự cứu mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.