Bão số 3 giật cấp 16 vào khu vực miền Trung Philippines rồi tiếp tục tràn qua, tiến sâu vào vùng biển nước ta. Dự báo, bão sẽ gây mưa lớn diện rộng ở các địa phương Bắc Bộ trong hai ngày 18 -19/7.
Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, hồi 1h ngày 16/7, tâm bão Rammasun (bão số 3) ở khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 121,9 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16, cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 1h ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 117,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 510km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 1h ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 112,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ sáng nay (16/7), vùng biển phía Đông Biển Đông, có gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.
Xuất hiện phía đông biển Philippines từ ngày 14/7, bão Rammasun đi rất nhanh trên bờ biển phía Đông miền Trung Philippines rồi tiếp tục tràn qua, đi sâu vào vùng biển nước ta. Theo nhận định từ cơ quan khí tượng, đây là cơn bão mạnh có diễn biễn nhanh và phức tạp.
Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ - cho biết, do ảnh hưởng của bão số 2, từ ngày 17/7, các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ bắt đầu có mưa nhỏ. Từ ngày 20/7, khi bão đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp thì diện mưa sẽ mở rộng ra vùng Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Mưa lớn tập trung trong 3 ngày, từ 20 - 23/7 với lượng mưa vào khoảng 200 - 300mm, một số vùng giáp ranh ở miền núi có thể lên tới 250 - 350mm.
Như vậy, bão Rammasun là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp nước ta trong mùa mưa bão năm nay.
Đường đi của bão Rammasun (Ảnh: NCHMF) |
Tại cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTƯ) và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, theo kinh nghiệm cơn bão đầu tiên của năm thường chạy dọc ở phía Bắc, kèm mưa lớn diện rộng. Do đó, các địa phương Bắc Bộ cần lưu ý về mưa lớn trong những hai ngày 18 - 19/7.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương ven biển khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão mạnh, được dự báo sẽ diễn biến phức tạp.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương có hồ, đập thủy điện phải kiểm tra, rà soát phương án bảo đảm an toàn các công trình, phòng chống lụt bão. Cùng đó, các tỉnh rà soát ngay những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động sơ tán, di dời dân an toàn; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Theo báo cáo từ biên phòng các tỉnh, thành phố duyên hải, cơ quan chức năng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn gần 60 nghìn tàu với 236.000 lao động biết về diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đã làm chênh lệch nhiệt độ trên biển, hình thành những cơn bão nhanh và mạnh hơn. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT sớm có phương án phân vùng bão, trên cơ sở này sẽ có phương án đối phó bão cụ thể cho từng vùng. Các phương án phòng tránh bão của chúng ta trước đây không còn phù hợp với các trận siêu bão nên phải có phương án riêng phòng chống siêu bão.
Phó Thủ tướng nhận định, nhiều khả năng Rammasun sẽ là cơn bão đầu tiên trong năm 2014 ảnh hưởng đến Việt Nam, trong khi vào Vịnh Bắc bộ, bão vẫn đạt cấp 9 - 10 gây nguy hiểm cho tàu thuyền và các tỉnh ven biển. Do đó, các địa phương phải rà soát phương án PCLB của địa phương, kiện toàn nhân sự, kiểm điểm cơ chế "4 tại chỗ". Bên cạnh đó, kêu gọi người dân chằng chống nhà cửa ngay từ đầu mùa mưa bão, rà soát dân cư các khu vực có nguy cơ đe dọa như khu vực sạt lở, lũ quét, hồ chứa.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, vụ Đông Xuân đã cơ bản thu hoạch xong. Hiện người nông dân các tỉnh Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc đã và đang gieo cấy vụ mùa.
Ứng phó bão Rammasun trên biển Hoàng Sa
Để đảm bảo an toàn, UBQG tìm kiếm cứu nạn yêu cầu lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư thực thi pháp luật nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 cần có biện pháp phòng tránh cơn bão Rammasun đang đổ bộ vào biển Đông.
Theo đó, UBQGTKCN yêu cầu lực lượng Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển phải có các kế hoạch, biện pháp ứng phó cho các đơn vị liên quan. Đặc biệt là lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trên biển.
UBQGTKCN cũng yêu cầu lực lượng Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu, phối hợp với địa phương và gia đình chủ tàu, thông báo, hướng dẫn cho hơn 58.400 tàu biết diễn biến của bão Rammasun để chủ động phòng tránh. Trong đó, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có 79 tàu với 781 lao động; Khu vực giữa biển Đông và quần đảo Trường Sa có 719 tàu, 8.311 lao động; Hoạt động ven bờ và các vùng biển khác gồm 57.608 tàu, 225.990 lao động.
Theo UBQGTKCN để ứng phó với cơn bão Rammasun hiện nay, người và các phương tiện đã sẵn sàng. Các đơn vị chủ yếu sẵn sàng ứng phó với bão Rammasun gồm các đơn vị bộ đội, dân quân tự vệ, hàng hải đã huy động đến hơn 234.000 người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.