(HNM) - Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư diễn ra tháng 10 tới. Vấn đề thế nào là hành vi bạo lực gia đình đang được dư luận đặc biệt quan tâm, tránh tình trạng khó nhận diện, không dễ xử lý cũng như không phù hợp với văn hóa truyền thống và phong tục Việt Nam.
Chú trọng vai trò của tuyến cơ sở
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2007, có hiệu lực từ 1-7-2008. Tuy nhiên, nghiên cứu do Tổng cục Thống kê, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện gần đây với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam chỉ ra rằng, có rất ít thay đổi về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ sau 10 năm kể từ nghiên cứu đầu tiên vào năm 2010. 62,9% phụ nữ Việt Nam được hỏi từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đời, bao gồm bạo lực thể chất, kinh tế, tinh thần, tình dục và bị kiểm soát hành vi.
Trong bối cảnh đó, điểm mới trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) công bố tháng 9-2022 tập trung vào vấn đề cung cấp dịch vụ thiết yếu và tích hợp cho người bị bạo lực. Điểm mới đáng lưu ý nữa là bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” như tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm... đối với người đã bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình (chưa tới mức bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự). Đề xuất nêu trên được áp dụng với người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng.
Đáng lưu ý thêm, để tăng tính chủ động cho tuyến cơ sở, kịp thời chấm dứt, khắc phục các hậu quả về bạo lực gia đình, Ban Soạn thảo bổ sung quy định chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc khi có căn cứ hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối.
Băn khoăn biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”
Dẫn Điều 3 dự thảo quy định hành vi bạo lực gia đình gồm: Sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và những hành vi khác gây tổn hại đến cả thể chất, lẫn tinh thần, sang chấn tâm lý với các thành viên trong gia đình, ông Nguyễn Ngọc Dũng (phường Văn Quán, quận Hà Đông) cho rằng nêu như vậy quá chung chung. Ví dụ có ông chồng đi uống rượu về, bà vợ chì chiết một lần nhưng không cẩn thận lại trở thành vi phạm về bạo lực gia đình. Do đó, cần quy định lại các hành vi bạo lực gia đình chặt chẽ hơn, tính toán thật kỹ bởi không cẩn thận, luật ra đời trở thành một sự ngột ngạt trong giáo dục theo phong tục tập quán cũ, lạc hậu...
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức bày tỏ quan điểm, cần làm rõ hơn khái niệm “bạo lực gia đình” theo hướng quy định bao hàm trọn vẹn, toàn bộ những hành vi bạo lực, bảo đảm thống nhất với tất cả hành vi quy định trong Bộ luật Hình sự về những tội danh hành hạ, ngược đãi cha mẹ, vợ chồng, con cái, tội làm nhục người khác xảy ra thường xuyên trong thời gian dài. Quy định chung chung như dự thảo có khả năng sẽ tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau.
Điểm mới tiếp theo trong dự thảo luật là bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” cũng đang khiến dư luận băn khoăn. Có ý kiến cho rằng, thực tiễn phòng, chống bạo lực gia đình thời gian qua cho thấy các giải pháp xử phạt hành chính hiệu quả rất thấp… Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa phân tích, biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, tổ chức mới là căn cơ, cốt lõi. “Công khai anh A, chị B có hành vi bạo lực gia đình, uống rượu say quậy phá trước công chúng như vậy thì họ thấy xấu hổ. Cho nên, đây là biện pháp quan trọng mang tính phòng ngừa, răn đe rất tốt”, ông Phạm Văn Hòa nói.
Luật gia Lê Quang Vững đề nghị cân nhắc khi bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”. Đây không phải cách làm mới vì đã được trình khi xem xét Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 nhưng Quốc hội đã không bổ sung. Các nước có biện pháp này nhưng do tòa án quyết định trong khi dự thảo luật đang thiết kế theo hướng chủ tịch UBND xã quyết định, rất dễ bị gọi là lao động cưỡng bức.
Cũng theo luật gia Lê Quang Vững, phương pháp hòa giải trong phòng ngừa bạo lực gia đình không áp dụng với trường hợp nạn nhân là trẻ em. Ban Soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung hình thức tư vấn tại nhà hoặc tại trường học trong trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ từ 6 tuổi trở lên và làm rõ hơn nữa trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình với trẻ em.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.