Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hộ sở hữu trí tuệ: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm

Tuệ Phương| 26/04/2013 06:30

(HNM) - Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26-4), Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức "Tuần lễ Sở hữu trí tuệ góp phần phát triển kinh tế - xã hội" với nhiều hoạt động thiết thực nhằm kêu gọi toàn xã hội cùng quan tâm đến hoạt động này để ngày 26-4 sẽ dần đi vào tiềm thức của công chúng, nhất là đội ngũ trí thức và học sinh, sinh viên.

Nhu cầu được bảo hộ tăng mạnh

Có những thời điểm, các sự kiện liên quan tới sở hữu trí tuệ (SHTT) như "mất thương hiệu ở nước ngoài", "các sáng chế của nông dân" hay "nông dân trúng mùa nông sản khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ"... đã trở thành những vấn đề mang tính thời sự trên các phương tiện truyền thông. Điều này cho thấy hoạt động SHTT đang đi dần vào cuộc sống. Trong năm 2012, Cục SHTT đã tiếp nhận 40.817 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm 3.959 đơn sáng chế; 298 đơn giải pháp hữu ích; 1.946 đơn kiểu dáng công nghiệp; 29.578 đơn nhãn hiệu; 7 đơn chỉ dẫn địa lý; 7 đơn đăng ký thiết kế, bố trí mạch tích hợp; 4.901 đơn nhãn hiệu đăng ký quốc tế chỉ định Việt Nam; 121 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam. Cục SHTT đã xử lý 37.972 đơn đăng ký xác lập quyền, trong số đó đã chấp nhận bảo hộ 28.042 đối tượng sở hữu công nghiệp. Đặc biệt, Cục cũng đã từ chối bảo hộ 9.931 đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó có 1.324 nhãn hiệu đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam.

Từ việc tiếp nhận và xử lý số đơn đăng ký trong năm qua, Cục SHTT đã chấp nhận và cấp bằng bảo hộ cho 25.962 đối tượng sở hữu công nghiệp, bao gồm: 1.025 bằng độc quyền sáng chế, 87 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 1.121 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 20.042 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, 5 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, 14 giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và chấp nhận bảo hộ 3.577 nhãn hiệu đăng ký quốc tế chỉ định Việt Nam.

Nói về xu hướng của hoạt động này, ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục SHTT, khẳng định: "Tỷ lệ đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp đang ngày một tăng. Năm 2011 tăng 3,3%, năm 2012 tăng 5,2%. Trong đó đơn của người Việt Nam cũng tăng với tất cả các đối tượng. Theo hướng đó, những năm tiếp theo nhu cầu đăng ký, nhất là của người Việt, cũng sẽ tăng, thậm chí là tăng mạnh. Tuy nhiên, đây cũng là sức ép cho việc xử lý đơn và cấp văn bằng bảo hộ".

Thêm nhiều hình thức hỗ trợ

Trong năm 2013, để đẩy mạnh công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp, Cục SHTT cho biết sẽ tiếp tục rà soát các nội dung liên quan, nhất là các thông tư, quy chế, để đề nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký, đơn giản hóa thủ tục, áp dụng công nghệ thông tin, hướng đến nộp đơn điện tử. Nhiều hình thức hỗ trợ đăng ký đang được Cục SHTT triển khai, đáng chú ý là hình thức "bàn tư vấn" ở các cơ sở đăng ký... Qua một số năm triển khai, lãnh đạo ngành cho biết hình thức này rất có hiệu quả bởi thông tin được truyền đạt một cách trực tiếp, sống động, gần gũi với cộng đồng.

Một trong những giải pháp nổi bật được nêu lên là tiếp tục thực hiện chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015, trong đó chú trọng các trường đại học, các viện nghiên cứu. Huy động sự tham gia của đông đảo nhà sản xuất, kinh doanh. Những người làm chương trình cho biết, thông qua chương trình, nhiều tổ chức tập thể đã được thành lập như Hội Sản xuất và kinh doanh chè shan tuyết Mộc Châu, chè Tân Cương, hoa Đà Lạt... Do các sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT nên khi đưa ra thị trường, đòi hỏi quản lý chất lượng, mẫu mã, tem nhãn nghiêm ngặt nên khả năng cạnh tranh được nâng cao. Sản phẩm của Công ty Chè Mộc Châu khi tham gia xuất khẩu cũng như lưu thông trong nước chưa bao giờ bị khách hàng trả lại hoặc có ý kiến về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giá bán cao hơn 1,7 - 2 lần các sản phẩm cùng loại. Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn - Hải Dương đóng bao bì mang nhãn hiệu tập thể có giá 27.000 đồng/kg, cao hơn gạo cùng loại không mang nhãn hiệu 5.000 đồng/kg. Nhãn hiệu chứng nhận "Hoa Đà Lạt" đã được sử dụng cho sản phẩm hoa địa lan, cấp cho 16 đơn vị...

Trong tương lai, ông Tạ Quang Minh cho biết, một Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ sẽ được hình thành để công tác hỗ trợ, tư vấn được triển khai một cách bài bản và rộng khắp hơn. Riêng trong năm 2013, với kinh phí từ quỹ phát triển sự nghiệp, Cục SHTT dự kiến chủ động thực hiện khoảng 12 lớp tập huấn về SHTT, trong đó có 4 lớp về kỹ năng tra cứu, sử dụng thông tin sáng chế cho các cán bộ nghiên cứu, 3 lớp dành cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo hộ sở hữu trí tuệ: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.