Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hiểm nông nghiệp: Vì sao khó triển khai?

Việt Phong| 05/08/2016 06:50

(HNM) - Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và dịch bệnh. Thế nhưng, sau 4 năm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), dù đã được Nhà nước hỗ trợ nhưng số hộ tham gia BHNN còn ít.

Hà Nội đã triển khai bảo hiểm nông nghiệp cho 14.000 con bò.


Đến nay, cả nước có 304.017 hộ nông dân tham gia bảo hiểm (BH), tổng giá trị được BH là 7.747,9 tỷ đồng; số tiền bồi thường là 712,9 tỷ đồng; doanh thu phí BH đạt 394 tỷ đồng… Những con số này quá nhỏ so với 11 triệu hộ nông dân cả nước. Câu hỏi được đặt ra là: Vì sao một chính sách thiết thực như vậy lại triển khai hết sức khó khăn trong thực tiễn?

Nông dân hờ hững, bảo hiểm thua lỗ

Sản xuất nông nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ tính cơn bão số 1 vừa qua đã gây thiệt hại hơn 300 nghìn héc ta lúa, rau màu, cây trồng lâu năm, ngắn ngày; hơn 96 nghìn gia súc, gia cầm bị chết, bị cuốn trôi... thiệt hại ước tính hơn 4 nghìn tỷ đồng. Nếu chủ động tham gia BHNN người nông dân sẽ giảm bớt gánh nặng từ thiên tai, mất mùa...

Theo ông Bùi Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Phi nhân thọ (Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính), trong tổng số 304.017 hộ nông dân tham gia BH, hộ nghèo là 233.361 (chiếm 76,8%), cận nghèo là 45.944 hộ (chiếm 15,1%), hộ thường 24.711 (chiếm 8,1%)... Tổng giá trị được BH là 7.747,9 tỷ đồng; số tiền bồi thường là 712,9 tỷ đồng; doanh thu phí BH đạt 394 tỷ đồng… Những con số này quá khiêm tốn so với 11 triệu hộ nông dân trên cả nước. Về vấn đề này, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (ISPARD) cho rằng, để nông dân yên tâm sản xuất, xã hội cần chung tay giảm bớt thiệt hại với nông dân, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể để doanh nghiệp BH cũng như nông dân sẵn sàng tham gia.

Việc mua bảo hiểm nông nghiệp sẽ giúp nông dân giảm thiểu rủi ro khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Ảnh: Khánh Nguyên


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, nền nông nghiệp của nước ta còn nhỏ lẻ, hiệu quả từ nông nghiệp còn thấp nên nông dân chưa mặn mà với BHNN. “Tại các quốc gia sản xuất nông nghiệp trên thế giới, mỗi hộ nông dân sở hữu từ 3 đến 10ha, sản phẩm được doanh nghiệp thu mua nên họ sẵn sàng bỏ tiền để mua BH cho sản phẩm của mình. Còn ở Việt Nam, mỗi nông dân sở hữu vài chục con lợn, con bò, một hai sào lúa, hiệu quả kinh tế thấp nên chưa hào hứng tham gia BHNN” - ông Lê Quốc Doanh cho biết. Chưa kể, do thủ tục xác nhận thiệt hại và bồi thường BHNN hiện nay còn phức tạp, phạm vi đối tượng, địa bàn khá rộng trong khi thiên tai dịch bệnh xảy ra nhiều nên khó khăn trong triển khai công tác BHNN.

Theo quyết định của Thủ tướng, hộ nghèo tham gia BHNN được Nhà nước hỗ trợ 100% phí BH; hộ cận nghèo 80%; hộ thường 60% và các tổ chức là 20%. Doanh nghiệp tham gia chương trình, gồm: Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam. Chương trình được triển khai rộng ở 20 tỉnh, thành phố với đối tượng BH là cây trồng và vật nuôi.


Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho biết: Thời gian qua, Hà Nội triển khai BHNN với 14.000 con bò và 30.000 con lợn và đến nay vẫn chỉ dừng lại ở con số đó. Không chỉ nông dân không mặn mà mà doanh nghiệp BH cũng “nản” không kém. Vì sao vậy? Câu trả lời được ông Hoàng Xuân Điều - Giám đốc Ban BHNN (BH Bảo Việt) lý giải: Hầu hết doanh nghiệp BH tham gia chương trình vừa qua đều phải bù lỗ dù đã được Nhà nước hỗ trợ. Ngoài ra, còn quá nhiều thủ tục, vướng mắc để xác định thiệt hại và khung bồi thường. “Nếu không có những biện pháp tháo gỡ cùng sự hỗ trợ từ Nhà nước thì doanh nghiệp BH cũng khó có thể tham gia khi chương trình tiếp tục được triển khai thực hiện” - ông Điều nhấn mạnh.

Tháo gỡ vướng mắc, triển khai trên diện rộng


Nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng và doanh nghiệp triển khai chính sách BH đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong bối cảnh thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo trung ương về giảm nghèo bền vững vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các bộ, ngành khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời nghiên cứu triển khai rộng rãi chính sách này trong sản xuất nông nghiệp.

Để thực hiện chủ trương này, ông Bùi Thanh Hải cho rằng: Phải phát triển nông nghiệp tập trung, hàng hóa lớn mới nhân rộng được BHNN. “Một khi sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp thì khó thu hút nông dân tham gia BH” - ông Hải cho biết thêm. Theo kiến nghị của các chuyên gia về nông nghiệp, để triển khai BHNN cần phải hoàn thiện khung pháp lý và có một hệ thống chính sách đồng bộ, tạo động lực cho cả doanh nghiệp BH và người làm nông nghiệp. “Cần thiết phải có một bộ luật riêng về BHNN, trong đó có điều khoản quy định danh mục các sản phẩm bắt buộc phải BH như lương thực, thực phẩm thiết yếu (lúa gạo, lợn thịt, gà thịt, gà đẻ trứng, vịt thịt, vịt đẻ trứng, bò thịt, thủy sản); các sản phẩm xuất khẩu chiến lược (cá tra, tôm sú, tôm thẻ, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè)…” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định.

Để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp BH, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ tín dụng thương mại ưu đãi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ nông trại, trang trại... tham gia tích cực vào lĩnh vực này. Trong phát triển nông nghiệp hiện đại, tham gia BHNN là một lựa chọn tất yếu, mang lại hiệu quả thiết thực, do vậy, các bộ, ngành cần khẩn trương đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập để triển khai rộng rãi mang lại hiệu quả trong thực tế, góp phần giảm bớt gánh nặng cho nông dân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm nông nghiệp: Vì sao khó triển khai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.