Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hiểm nông nghiệp: Vì sao chưa hấp dẫn nông dân?

Hương Ly| 31/03/2012 07:25

(HNM) - Với 70% dân số ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp (SXNN) làm nguồn sống chính, nên việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đóng một vai trò quan trọng nhằm bảo đảm an sinh xã hội.


Thực hiện Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm BHNN, Bộ Tài chính đã triển khai đề án thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013. Theo đó, các hộ nông dân nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% phí BH nhằm san sẻ bớt rủi ro khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Nhiều địa phương trên cả nước đang thí điểm BHNN. Mặc dù lợi ích của BHNN đã rõ nhưng thực tế việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn.


Mô hình bảo hiểm đàn bò sữa đem lại lợi ích cho người nông dân.

Người dân chưa mặn mà...

Theo Bộ Tài chính, hàng năm tổng giá trị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Với tỷ trọng giá trị SXNN chiếm khoảng 20,6% GDP, lẽ ra BHNN sẽ rất phát triển. Song do nhiều lý do khách quan, loại hình BH này vẫn chiếm một vị trí "khiêm tốn" trên thị trường BH. Thống kê của Hiệp hội BH Việt Nam cho thấy, BHNN chỉ đóng góp hơn 10% phí BH trong tổng doanh thu phí trên thị trường mỗi năm.

Thực hiện Quyết định 315/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đang tích cực triển khai đề án thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013. Việc khảo sát để xác định cây trồng, vật nuôi và địa bàn thí điểm BHNN đã được thực hiện tại nhiều địa phương. Từ cuối năm 2011, Công ty BH Bảo Minh, một trong những DN được Bộ Tài chính lựa chọn tham gia đề án đã tổ chức đào tạo đại lý về nghiệp vụ BHNN tại 3 tỉnh: An Giang, Nam Định và Hà Tĩnh nhằm sẵn sàng ký hợp đồng BH ngay khi tập hợp được danh sách nông dân tham gia. Đến thời điểm này, Nam Định và Hà Tĩnh đã triển khai BH cây lúa của Bảo Minh, ban chỉ đạo tỉnh vẫn đang tích cực vận động, tuyên truyền để nông dân hưởng ứng chương trình thí điểm. Cán bộ, nhân viên của Bảo Minh đã xuống xã, thôn và từng hộ nông dân tại tỉnh An Giang để vận động bà con tham gia thí điểm BHNN, nhưng kết quả đạt được chưa cao, bởi người dân chưa hiểu rõ những lợi ích do BHNN mang lại. Mặc dù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn thí điểm, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí BH cho hộ nông dân, cá nhân nghèo SXNN tham gia thí điểm BHNN. Hộ nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 60% phí. Tổ chức SXNN tham gia thí điểm được hỗ trợ 20% phí BH. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn chưa mặn mà. Bởi trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay, giá phân bón, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh, việc phải gánh thêm phí BH sẽ khiến chi phí đầu vào tăng lên và thu nhập vốn rất "khiêm tốn" của người nông dân giảm đi. Vì vậy, không ít hộ vẫn e dè với BHNN dù lợi ích khi tham gia đã rõ...

Cần kiên trì thuyết phục

Trên thực tế, việc triển khai BHNN đang vấp phải nhiều khó khăn, song tại Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, mô hình này lại đang thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia. Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cho biết, ngay từ năm 2004, công ty đã áp dụng mô hình BH cho đàn bò của nông dân tại Mộc Châu. Lúc đầu, mỗi hộ đóng góp 150.000 đồng để BH cho bò. Nếu bò chết, nông dân được đền bù 1,5 triệu (bằng 10 lần số tiền BH). Đến nay, mỗi hộ đóng BH 250.000 đồng/con bò và được đền bù 2,5 triệu đồng khi bò chết. Cộng với số tiền bán thịt bò thải (khoảng 5 triệu đồng), số tiền khoảng 7-8 triệu đồng thu được sẽ giúp người dân có thể mua được một con bê để tái đầu tư đàn bò. Hiện nay, Mộc Châu áp dụng mức BH khá cao cho các hộ nông dân tùy theo đàn, loại và tuổi của bò, bê. Với mức đóng BH 600.000 đồng/bò sinh sản/năm, nông dân được chi trả 12 triệu đồng nếu không may bò ốm chết. Đối với bò sinh sản bị thải, mức chi trả là 8 triệu đồng. Ông Chiến chia sẻ, mặc dù lợi ích khi mua BH cho đàn bò đã rõ, nhưng trong năm đầu áp dụng, có 8 hộ nông dân không tham gia. Để khuyến khích người dân, công ty đã đưa ra chính sách ưu đãi với các hộ mua BH như trợ giá 700 đồng/kg cỏ, hỗ trợ tiền phối giống… giúp người dân nhận thức rõ những lợi ích khi tham gia BH. Công ty cũng đề ra quy định, nếu quỹ BH đàn bò mỗi năm không sử dụng hết sẽ để lại cho người nông dân tự quản, hoặc gửi ngân hàng. Nếu các hộ đồng ý, công ty sẽ vay lại với lãi suất tương ứng như lãi suất ngân hàng. Với việc kiên trì thuyết phục người dân, đến nay Mộc Châu đã duy trì được đàn bò chất lượng cao, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho DN. Quyền lợi của người nông dân tại đây cũng được bảo đảm, qua đó giúp DN phát triển ổn định và vượt qua khó khăn khi dịch bệnh, thiên tai không may xảy ra nhờ có nguồn đóng góp từ quỹ BH. Nhờ có nguồn quỹ BH dồi dào, khi bò, bê của nông dân tại Mộc Châu không may bị chết, thải loại (do hết giai đoạn sinh sản), với số tiền được bồi thường, người nông dân có thể thay thế vật nuôi mới và yên tâm đầu tư cho chăn nuôi.

Thực tế cho thấy, việc tham gia các loại hình BH sẽ giúp tạo ra một nguồn tài chính để bù đắp khi rủi ro xảy ra. Trong lĩnh vực nông nghiệp, BH cho cây trồng, vật nuôi là nhu cầu cấp thiết, bởi người nông dân luôn phải đối phó với thiên tai, dịch bệnh. Song để người nông dân hiểu được lợi ích do BHNN mang lại và tích cực tham gia, rất cần sự nỗ lực của các DN BH và cơ quan quản lý trong công tác tuyên truyền, vận động cũng như hỗ trợ kinh phí giai đoạn đầu. Đây là hướng đi hiệu quả giúp nghiệp vụ BHNN phát triển, qua đó góp phần bảo đảm chính sách an sinh xã hội và đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm nông nghiệp: Vì sao chưa hấp dẫn nông dân?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.