(HNM) - Đến nay, bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa đủ sức hút, nông dân không tha thiết, doanh nghiệp bảo hiểm cũng chưa mấy nhiệt tình tham gia.
Cần giải quyết những bất cập về phí bảo hiểm, thủ tục xác minh... để giúp nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Ảnh: Nhật Nam |
Chưa sát thực tế
Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) có từ năm 2011, nhưng đến cuối năm 2012, đầu năm 2013, hoạt động này mới được triển khai tích cực sau khi các bộ, ngành ban hành thông tư hướng dẫn. Theo thống kê của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến giữa năm 2016, cả nước có 304.017 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN, quá khiêm tốn so với tổng số 11 triệu hộ nông dân trên cả nước. Giá trị được bảo hiểm là 7.747 tỷ đồng, trong đó giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỷ đồng, giá trị bảo hiểm vật nuôi là 2.713 tỷ đồng, giá trị bảo hiểm thủy sản là 2.883 tỷ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm chỉ đạt 394 tỷ đồng nhưng số tiền bồi thường bảo hiểm lên tới 712,9 tỷ đồng. Trong số các hộ tham gia BHNN đến 91,9% là hộ nghèo, cận nghèo được nhà nước hỗ trợ 100% hoặc 75% phí BHNN.
Lý giải về điều này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Quy mô sản xuất nông nghiệp ở nước ta phần lớn là nhỏ lẻ nên đã ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động BHNN. Trong khi tại nhiều nước trên thế giới, nông dân thường tham gia bảo hiểm cho diện tích sản xuất từ 100ha trở lên; đối với vật nuôi cũng từ vài nghìn con thì ở Việt Nam, nông dân tham gia bảo hiểm chỉ với chục con bò, vài chục con lợn hay vài héc ta cây trồng, vật nuôi, thủy sản… Chính quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy trình khép kín, rủi ro cao khiến các doanh nghiệp BHNN thua lỗ, không còn mặn mà với chương trình.
Không chỉ riêng với doanh nghiệp bảo hiểm, ngay cả người dân cũng thờ ơ với BHNN. Tại Hà Nội, chương trình thí điểm BHNN được triển khai trên đàn bò sữa của huyện Ba Vì và đàn lợn tại huyện Chương Mỹ. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Hà Nội đã có 14.000 con bò và 30.000 con lợn được bảo hiểm nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó, chưa thể nhân rộng hơn.
Ông Nguyễn Văn Bưởi, ở thôn Quyết, xã Yên Bài (Ba Vì) cho biết: Gia đình nuôi bò sữa nhiều năm nay, hiện tổng đàn là 20 con, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ đã không tham gia chương trình thí điểm BHNN. Theo ông Bưởi, mức phí bảo hiểm với hộ cận nghèo là 240.000 đồng/con bò sữa/năm; hộ bình thường là 480.000 đồng/con/năm, nhưng giá bồi thường thấp nhất chỉ là 8 triệu đồng/con, mới đủ mua con bê, trong khi đó, mỗi con bò sữa có giá từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, bò sữa thường bị bệnh dạ cỏ, chướng hơi đầy bụng, rất dễ chết, nhưng không được bảo hiểm chi trả; còn những bệnh ít mắc, dễ chữa như lở mồm long móng, tụ huyết trùng thì lại được thanh toán...
Ngoài ra, việc xác định đối tượng được bảo hiểm cũng như quá trình xác định nhóm dịch bệnh để được hưởng bảo hiểm còn nhiều vướng mắc. Đặc biệt, trong bảo hiểm thủy sản, hoạt động nuôi thả, lấy mẫu xét nghiệm bệnh yêu cầu phải có sự tham gia nhiều bên liên quan trong khi lực lượng cán bộ chuyên ngành Bảo hiểm tại cơ sở hạn chế. Việc nông dân phải đợi lấy mẫu, kết luận rồi mới được tiến hành các bước tiếp theo để nhận chi trả bảo hiểm khiến các hộ tham gia đều "nản"...
Cần chính sách đặc thù
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), với một quốc gia sản xuất nông nghiệp, việc tham gia BHNN có ý nghĩa rất lớn, nhằm giảm thiệt hại, rủi ro cho nông dân. Tham gia BHNN còn giúp nông dân hình thành thói quen, tư duy sản xuất khoa học theo quy trình, quy chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để chương trình BHNN được triển khai mạnh mẽ và thu hút nông dân, cần có chính sách đặc thù cho các công ty bảo hiểm...
Về vấn đề này, Giám đốc Ban BHNN (Bảo hiểm Bảo Việt) Hoàng Xuân Điều đề xuất: Nhà nước và các bộ, ngành cần xây dựng quy trình về chính sách, đối tượng, hệ thống giá bảo hiểm hợp lý. Việc thiết kế chính sách, khung giá cần phù hợp với từng đối tượng, vùng miền. Mặt khác, Nhà nước cũng nên xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực tham gia lĩnh vực này chứ không chỉ riêng các công ty bảo hiểm.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo chuỗi, thu hút doanh nghiệp xây dựng vùng sản xuất hàng hóa. Khi quy mô sản xuất lớn, chất lượng bảo đảm, giá trị cao... tất yếu sẽ nảy sinh nhu cầu về BHNN. Lúc đó, BHNN chính là mối quan hệ hai chiều với bản chất "đôi bên cùng có lợi" giữa công ty bảo hiểm và đối tượng tham gia BHNN.
Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, đề nghị xây dựng Nghị định về BHNN, trong đó nổi bật là việc ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo. Nếu được Chính phủ thông qua, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng xây dựng Nghị định theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật 2015, dự kiến trình Chính phủ thông qua vào quý II-2017, bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2018.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.