(HNM) - Giải thưởng sách Việt Nam 2013 vừa qua vòng xét chung khảo, có 56 giải dành cho sách hay và 39 giải sách đẹp.
Đây là mùa thứ 9 của một giải thưởng sách mang tầm quốc gia, là năm thứ 3 mở rộng phạm vi xét giải và là năm đầu tiên có lượng NXB tham gia đông nhất. Tuy nhiên, nói như nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, điều quan trọng là phải làm sao để cả người trong nghề và bạn đọc nói chung cùng quan tâm, chờ đón Giải thưởng sách Việt Nam.
Thị trường sách Việt Nam đã có không ít ấn phẩm thu hút được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Ảnh: Như Ý |
Đông hơn nhưng chưa mạnh hơn
Năm nay, 37 trên tổng số 64 NXB của cả nước có sách dự Giải thưởng sách Việt Nam (đạt tỷ lệ 62% trên tổng số NXB có đủ điều kiện dự giải). Số "ứng viên" đông nhất từ trước đến nay nhưng nhìn vào kết quả sau cuộc họp của Hội đồng chung khảo vào ngày 23-11 vừa qua, có thể thấy mặt bằng chung của giải thưởng năm nay chưa có điểm vượt trội, số giải vàng thấp hơn so với năm trước. Như trao đổi thẳng thắn của ông Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam thì "đông hơn nhưng chất lượng giải không cao hơn!".
Mùa giải này, một số mảng mạnh đã lâm cảnh mất "mùa vàng", như văn học, sách thiếu nhi… Sách tham dự đầy đủ ở cả 8 mảng nhưng vẫn xảy ra tình trạng mất cân đối. Sách dự giải tập trung nhiều vào mảng lý luận chính trị, khoa học và xã hội nhân văn, khoa học và công nghệ… Công bằng mà nói thì sự chênh lệch, nếu có, giữa các mảng cũng là chuyện bình thường, nhưng nếu mức chênh lớn, kéo dài hoặc không phản ánh được thực tế phong phú của mảng sách này ngoài đời sống thì nghĩa là chưa có sự gặp nhau giữa giải và sách.
Năm nay, lượng NXB tham gia đông hơn nhưng vẫn thiếu vắng một số "nhà" kỳ cựu như Thanh niên, Lao động, Văn hóa dân tộc, Công an nhân dân…
Tuy nhiên, cũng phải nói là giải thưởng sách đã định hình ở mùa thứ 9 với nhiều cuốn sách chất lượng mà cụ thể là 4 giải vàng, trong đó có cuốn "Lịch sử Thăng Long - Hà Nội" tập 1+2 của 13 tác giả, do GS Phan Huy Lê chủ biên. Đó đều là những công trình có giá trị cao, nhận được sự đồng thuận trong đánh giá của Hội đồng chung khảo. Đáng chú ý là nhiều cuốn sách hay được trao luôn giải sách đẹp. Mùa giải năm nay cũng phản ánh rõ sự đổi thay tích cực trong trình bày sách, từ khâu minh họa, "mạ" bìa đến in ấn. Nếu trước đây, sách đẹp thường về tay những NXB chuyên đề, chẳng hạn như NXB Mỹ thuật thì nay, nhiều "nhà" khác cũng được trao giải này.
Điểm đáng mừng nữa là tuyệt đại đa số sách dự giải đều được đăng ký mã số sách quốc tế (ISBN), điều đó thể hiện trình độ làm sách, ý thức hội nhập vào thị trường sách thế giới có bước tiến rõ rệt.
"Nhiệt kế" của văn hóa đọc
Tình hình thực tế đã đòi hỏi cần có sự sửa đổi quy chế nhằm đưa giải thưởng về sách tiến sát cuộc sống, chẳng hạn như đề cử cuốn sách của năm, giải thưởng cho sách điện tử… Đó là những dự định mà BTC giải đã tính tới, đã nghiên cứu để có thể bổ sung trong Quy chế Giải thưởng sách Việt Nam năm 2014.
Giải thưởng sách Việt Nam là hoạt động chính thống, được Chính phủ phê duyệt. 9 năm qua, giải có độ ổn định khá rõ, các ấn phẩm được trao giải đều rõ giá trị về nội dung, hình thức nhưng tính đột phá và mức độ ảnh hưởng đối với giới nghề và với xã hội thì còn chưa được như mong muốn. Về nguyên nhân dẫn đến điểm hạn chế nói trên, BTC cho rằng, đó là do giải hướng tới các ấn phẩm có hàm lượng tri thức cao, có giá trị lâu dài, có tính định hướng, góp phần thúc đẩy một xã hội học tập chứ không nhắm vào những cuốn sách bán chạy, sách "hot" trên thị trường. Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân nữa là nguồn kinh phí eo hẹp. BTC giải không có kinh phí dành cho quảng bá, ngay cả với nguồn kinh phí để trao giải thưởng cũng phải nhờ kêu gọi thêm tài trợ từ xã hội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã có nhiều tác phẩm được dư luận quan tâm, thậm chí bán chạy trên thị trường mà vẫn thỏa mãn được tiêu chí mà Hội đồng chấm chọn đề ra, chẳng hạn như "Đảo mộng mơ", "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ", "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", "Đội gạo lên chùa"…
Nhưng, theo ông Nguyễn Kiểm, thực tế có nhiều điểm khó. Một số NXB tham dự giải một cách "miễn cưỡng", "nể" thì gửi tác phẩm dự giải "cho vui" chứ bản thân giải thưởng chưa được người trong ngành thực sự quan tâm đúng mức. Các đơn vị tư nhân cũng chưa mặn mà, có thể là do người làm sách ở ta chưa coi trọng và cũng chưa quen với các hoạt động xúc tiến thương mại như tham dự giải thưởng, hội chợ sách. Đối tác liên kết chịu đầu tư để có sách chất lượng dự giải cũng có, nhưng vẫn còn ít…
Có nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động bên lề của giải thưởng phải được tổ chức sôi động hơn, do Hội Xuất bản cầm trịch và phải xã hội hóa mạnh mẽ để thu hút các NXB, đơn vị phát hành, các công ty văn hóa truyền thông cùng góp sức. Giải thưởng sách Việt Nam cần phải khẳng định vị thế, nhất là trong bối cảnh nhiều giải thưởng liên quan đến sách - cả cũ, cả mới, cả của tổ chức chính trị, xã hội và tư nhân đang xuất hiện ngày một nhiều, tác động vào đời sống xã hội. Trong số nói trên, có thể kể đến Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, một số hạng mục trong Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh, giải sách hay do nhóm trí thức trong Nam, ngoài Bắc lập ra… Với vị trí chính thống, mang tầm vóc quốc gia thì ngoài vai trò ghi nhận sự đóng góp của giới xuất bản trong năm, Giải thưởng sách Việt Nam cần đạt tới một mục tiêu khác, rất quan trọng, đó là trở thành "nhiệt kế" của văn hóa đọc trong cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.