(HNM) - Cảm nhận đầu tiên khi bước chân đến ngõ 579 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1 và ngõ 323 Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) là mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, dòng nước sông lúc thì đen kịt, khi thì màu vàng, màu xanh
Dòng nước sông Cầu Đá, đoạn chảy qua ngõ 579 Phạm Văn Đồng bị ô nhiễm nghiêm trọng. |
Sông Cầu Đá là dòng sông chứa đựng nguồn nước thải của các hộ dân tại hai phường Cổ Nhuế 1 và Xuân Đỉnh. Ông Dương Văn Khôi, số nhà 15, ngõ 579 Phạm Văn Đồng cho biết, đoạn sông ở ngõ này là cuối nhánh nên phường Cổ Nhuế 1 thường hứng chịu toàn bộ nước bẩn, rác thải dồn ứ lại. Nước sông lúc có màu đen, khi màu vàng chính là nước thải sinh hoạt và nước thải từ các làng nghề ở Xuân Đỉnh.
Để hạn chế mùi hôi thối, người dân đã căng bạt ven sông, lắp cửa kính, dán băng dính vào các khe hở của cửa sổ. Những ngày trời nóng, nhiều gia đình không chịu được mùi hôi thối đã phải đến ở nhờ nhà họ hàng ở nơi khác. Bà Nguyễn Thị Hảo, chủ cửa hàng giải khát số 10 ngõ 323 Xuân Đỉnh cho biết: Người dân đã làm đủ mọi cách nhưng vẫn không thể ngăn được mùi hôi bốc lên nồng nặc từ dòng sông.
Về vấn đề này, lãnh đạo hai phường Cổ Nhuế 1 và Xuân Đỉnh đều rất băn khoăn. Theo ông Chu Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1, ngày 14-5-2010, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng công trình tuyến đường số 3 vào trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây. Theo đó, dự án sẽ chạy qua sông Cầu Đá và có hệ thống thoát nước mưa, thoát nước bẩn. Tuy nhiên, đến nay, đoạn sông Cầu Đá (từ đường Phạm Văn Đồng đổ về sông Nhuệ) đã thực hiện xong; còn đoạn từ ngõ 579 đến Hồ Tây, dài gần 3km vẫn đang chờ giải phóng mặt bằng, chưa biết khi nào hoàn thiện.
Theo ông Chu Việt Dũng, ngày 26-10-2015, UBND phường Cổ Nhuế 1 đã có công văn gửi Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội và Xí nghiệp Thoát nước số 2 nêu rõ những kiến nghị của người dân về tình trạng ô nhiễm tại Kênh tiêu Hà Nội (sông Cầu Đá) là nghiêm trọng. Vì vậy, đề nghị hai đơn vị trên từng bước có giải pháp xử lý, khơi thông, nạo vét các tuyến mương, rãnh thoát nước, thu gom, vớt rác trên các tuyến kênh tiêu trên địa bàn phường.
"Thời điểm gửi công văn đến nay đã hơn 2 năm, nhưng Xí nghiệp Thoát nước số 2 mới tiến hành nạo vét, cải tạo lòng sông, vớt rác thải cản dòng chảy trên địa bàn phường 3 lần, khối lượng mỗi lần nạo vét khoảng 30m3. Tình trạng bốc mùi hôi thối vẫn rất nghiêm trọng" - ông Chu Việt Dũng nhấn mạnh.
Về việc nguồn nước sông Cầu Đá đoạn ngõ 323 Xuân Đỉnh "đổi màu" liên tục, ông Trần Ngọc Huân, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh cho biết, đoạn sông này là nơi xả nước thải sinh hoạt của người dân phường Xuân Đỉnh và "bể chứa" nước thải của Nhà máy Nước Cáo Đỉnh. Tình trạng ô nhiễm khiến hàng trăm hộ dân phường Xuân Đỉnh đang phải chịu cảnh “sống dở chết dở” vì mùi hôi thối. UBND phường đã tổng hợp các ý kiến phản ánh của người dân về vấn đề nêu trên gửi các cấp, ngành chức năng đề xuất sớm có giải pháp khắc phục.
Tháng 6-2017, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU "Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo", có chủ trương từng bước làm "sống lại" các dòng sông, trong đó có sông Nhuệ.
Như vậy, giải pháp cơ bản đã có, nhưng từ nay đến năm 2020, thiết nghĩ, bản thân mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi và xả nước thải sinh hoạt trực tiếp xuống lòng sông. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đến từng cụm, khu dân cư… Có như vậy mới hạn chế được tình trạng ô nhiễm như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.