Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ mới hết cảnh mua điện giá cao?

Bài, ảnh: Đỗ Hà| 27/07/2015 06:56

(HNM) - Trong đơn gửi Báo Hànộimới, ông Trần Thanh Hà, phường Trung Văn (Nam Từ Liêm), phản ánh: Nhiều năm nay, 145 hộ dân Tổ dân phố (TDP) 16, phường Trung Văn phải mua điện của Xí nghiệp Địa chất và Khoáng sản (ĐC&KS) thuộc Công ty cổ phần Đá quý và Vàng Hà Nội

Quy định một đằng, thu một nẻo!

Theo ông Trần Thanh Hà, từ tháng 2-2015 trở về trước, gia đình ông phải trả trung bình 2.787 đồng/kwh. Sang tháng 3 và 4-2015, thực hiện giá điện mới, gia đình ông phải trả giá tới 3.845 đồng/kwh. Tới tháng 6, bình quân 1kwh có giá 4.105 đồng. Giá điện tăng vọt, người dân thắc mắc thì được đại diện Xí nghiệp trả lời, ngoài giá điện phải trả theo quy định, các hộ còn phải trả thêm tiền tổn thất điện năng và phụ phí khác. Để chứng minh, ông Hà đã cung cấp phiếu thu tiền điện tháng 6-2015 của gia đình. Theo đó, tổng lượng điện năng tiêu thụ tháng 6 của gia đình ông là 3.683 kwh, số tiền phải trả là hơn 15 triệu đồng, trong đó tiền điện là 10,228 triệu đồng, chi phí khác (gồm tiền hao tổn điện năng, các phụ phí) lên đến gần 5 triệu đồng. Theo tính toán của ông Hà, gia đình ông đang phải đóng chênh 1.328 đồng/kwh.

Phiếu thu tiền điện tháng 6-2015 của hộ gia đình ông Trần Thanh Hà.



Một phụ nữ sống tại khu tập thể Xí nghiệp ĐC&KS (đề nghị giấu tên) cho biết: Trung bình mỗi tháng gia đình tiêu thụ hết khoảng 250kwh, nhưng số tiền phải trả lên tới trên 750 nghìn đồng, chia bình quân là hơn 3.000 đồng/kwh. Mức giá như vậy là quá cao so với giá Nhà nước quy định tại Quyết định 2256/QĐ-BCT ngày 12-3-2015 của Bộ Công thương. Giá cao vậy nhưng chất lượng điện áp không ổn định, vào những ngày nắng nóng, có khi bị mất điện 5-6 lần/ngày đêm, ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh của các hộ dân.

Theo Quyết định 2256/QĐ-BCT ngày 12-3-2015 của Bộ Công thương, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia thành 6 bậc, trong đó bậc 6 (bậc cao nhất) tính từ kWh 401 trở lên cũng chỉ có giá 2.587 đồng (chưa gồm thuế VAT). Thế nhưng, trong tháng 6 vừa qua, Xí nghiệp ĐC&KS lại tính cho các hộ dân với giá bình quân tới 4.105 đồng/kwh (đã gồm VAT), vượt quá xa giá bán lẻ điện sinh hoạt theo quy định của Nhà nước. Vậy, Xí nghiệp ĐC&KS thu tiền điện của các hộ dân theo quy định nào; việc thu của người dân cả tiền tổn thất điện năng, các chi phí khác có đúng hay không?

Cơ quan chức năng nói gì?

Tìm hiểu, phóng viên được biết, năm 1998, cùng với việc xây dựng trụ sở làm việc, Xí nghiệp ĐC&KS đã xây dựng một trạm biến áp (TBA). Thời điểm đó, khu vực này chưa có lưới điện của ngành điện lực nên các hộ dân có đơn đề nghị được mua điện của Xí nghiệp để sử dụng trong sinh hoạt và được chấp nhận.

Trao đổi với phóng viên về khiếu nại của người dân TDP 16, ông Nguyễn Quốc Vinh, Giám đốc Xí nghiệp ĐC&KS cho biết, người dân phản ánh phải mua điện giá cao là không đúng, bởi Xí nghiệp vẫn áp giá bán lẻ điện theo Quyết định 2256 của Bộ Công thương. Sở dĩ tổng số tiền điện phải nộp của các hộ cao là do Xí nghiệp phải thu thêm tiền tổn thất điện năng và phụ phí khác. Theo ông Vinh, do Xí nghiệp không có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý điện năng; TBA và đường dây hạ thế của Xí nghiệp đã xây dựng từ lâu (năm 1998-1999) nay xuống cấp; số hộ dân sử dụng điện tăng từ 70 hộ lên 145 hộ dẫn đến TBA quá tải, dẫn đến tình trạng tổn thất điện năng ngày càng lớn. Cụ thể, tổn thất điện năng trong tháng 6-2015 của Xí nghiệp lên tới 34,8%, các tháng trước đây lượng điện tổn thất trung bình là 15-20%. Để bảo đảm thu đủ chi, Xí nghiệp phải tính toàn bộ lượng điện hao tổn vào giá điện sinh hoạt (tính bình quân trên số kwh mà các hộ sử dụng) dẫn đến giá điện tăng. Ngoài ra, người dân phải trả thêm chi phí quản lý và phụ phí khác cho Xí nghiệp, vì hằng tháng Xí nghiệp phải cử 3 cán bộ quản lý, sửa chữa TBA, hệ thống lưới điện hạ thế, đo đếm công tơ điện, thu tiền điện...

Không có chuyên môn trong lĩnh vực quản lý điện năng, TBA và đường điện hạ thế xuống cấp, quá tải, vậy tại sao Xí nghiệp vẫn "ôm" việc bán điện cho 145 hộ dân suốt thời gian dài? Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Vinh cho biết, trước kiến nghị của người dân về việc phải mua điện giá cao, từ năm 2008, Xí nghiệp ĐC&KS đã có công văn gửi Công ty Điện lực Từ Liêm (nay là Nam Từ Liêm) đề nghị tiếp nhận và bán điện đến 145 hộ dân đang dùng nhờ qua hệ thống cấp điện của Xí nghiệp. Song, vì nhiều lý do nên việc bàn giao, tiếp nhận lưới điện chưa được thực hiện. Đem vấn đề này chất vấn Điện lực Nam Từ Liêm thì ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nam Từ Liêm khẳng định, năm 2008, khi nhận được công văn đề nghị của Xí nghiệp ĐC&KS, công ty đã xuống khảo sát, xây dựng phương án tiếp nhận. Tuy nhiên, thời điểm đó Công ty cổ phần Đá quý và Vàng Hà Nội đang trong giai đoạn cổ phần hóa nên mọi công việc phải dừng lại.

Mới đây, khi công dân trong TDP 16 có đơn khiếu nại Xí nghiệp ĐC&KS bán lẻ điện chưa đúng quy định, Sở Công thương Hà Nội đã vào cuộc. Ngày 25-6-2015, Sở Công thương đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các đơn vị liên quan để giải quyết đơn của công dân. Theo đó, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nguời sử dụng điện và theo đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực điện lực, Sở Công thương yêu cầu Tổng Công ty Điện lực Hà Nội chỉ đạo Công ty Điện lực Nam Từ Liêm có phương án tiếp nhận ngay việc bán điện trực tiếp đến hộ dân tại phường Trung Văn (trước ngày 30-7-2015); nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với Công ty Điện lực Từ Liêm. Sở Công thương cũng đề nghị Xí nghiệp ĐC&KS tiến hành bàn giao khách hàng đang mua điện hạ áp sau TBA của Xí nghiệp cho Công ty Điện lực Nam Từ Liêm…

Thực hiện chỉ đạo của Sở Công thương, Công ty Điện lực Nam Từ Liêm đã xây dựng kế hoạch cấp điện tại tập thể Xí nghiệp ĐC&KS; giao nhiệm vụ cho các phòng, ban làm việc với xí nghiệp để tiếp nhận nguyên trạng, lập phương án cấp điện cho 145 hộ... Theo thông tin từ phía Công ty Điện lực Nam Từ Liêm, dù đã nhiều lần liên lạc nhưng đến chiều ngày 21-7-2015, Công ty mới có buổi làm việc đầu tiên với Xí nghiệp ĐC&KS để bàn phương án bàn giao tài sản. Trả lời câu hỏi: Khi nào 145 hộ dân TDP 16 phường Trung Văn mới được mua điện trực tiếp của Công ty Điện lực Nam Từ Liêm? Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, Công ty sẵn sàng tiếp nhận và bán điện trực tiếp đến từng hộ trong thời gian sớm nhất, song mọi việc còn phụ thuộc vào Xí nghiệp ĐC&KS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ mới hết cảnh mua điện giá cao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.