(HNM) -
Quyết định phê duyệt dự án (DA) xây dựng mở rộng Trường THCS Vật Lại (xã Vật Lại) có từ năm 2010, với mục tiêu mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện trong giai đoạn 2011-2012. Nhưng thực tế các hạng mục mới chỉ được xây thô, đã phải… tạm "treo" từ năm 2013 vì thiếu kinh phí. Hơn 3 năm học qua, thầy, trò nhà trường phải dạy và học trong tình trạng thiếu phòng học, phòng làm việc, không có sân chơi, bãi tập cho HS do vật liệu xây dựng ngổn ngang, khu vệ sinh chưa hoàn thiện, rất bất tiện. Thầy Phan Minh Lược - Hiệu trưởng Trường THCS Vật Lại băn khoăn: "Vài tháng nay, chỉ có 3-5 công nhân thực hiện công đoạn hoàn thiện các phòng học; họ cho biết đến ngày 31-8-2015 hoặc chậm nhất là 30-9-2015 sẽ bàn giao một nửa công trình nhà lớp học (4 phòng học và 2 phòng bộ môn). Nhưng nay đã sang tháng 11-2015, các phòng này mới chỉ được sơn tường, lắp cửa gỗ, chưa có điện…". Với kiểu "túc tắc" hoàn thiện công trình như vậy, chưa biết đến bao giờ thầy, trò Trường THCS Vật Lại mới được "đặt chân" vào phòng học mới?
Lớp học cũ xuống cấp của Trường THCS Phú Cường. |
Tại xã Sơn Đà, DA xây dựng Trường Tiểu học Sơn Đà (giai đoạn I) được UBND huyện Ba Vì phê duyệt tại Quyết định số 1023/QĐ-UBND ngày 14-10-2011, với quy mô: Nhà hiệu bộ 3 tầng, nhà lớp học 3 tầng với 13 phòng học, 2 phòng vệ sinh, cùng một số công trình phụ trợ khác, tổng mức đầu tư dự kiến 14,85 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố và huyện. Thế nhưng, đến nay đã 4 năm trôi qua, DA vẫn nằm… trên giấy! Trong khi hiện tại, 10 phòng học của dãy nhà 2 tầng ở khu trung tâm bị thấm, tường rêu mốc; 10 phòng học cấp 4 (7 phòng ở khu trung tâm, trên địa bàn thôn Đan Thê; 3 phòng ở khu lẻ thuộc thôn Trí Phú và Yên Thịnh) được xây dựng từ hơn 40 năm trước, nay đã xuống cấp, tường nứt, lở vữa, mái dột khi trời mưa… Nỗi vất vả của HS xã Sơn Đà còn được "nhân đôi" bởi hiện tại, địa bàn xã có DA cải tạo Sông Tích. Hằng ngày, các xe có tải trọng lớn lại làm rơi vãi bùn đất, khiến đường giao thông qua các thôn Yên Thịnh, Trí Phú, Bằng Y, Khê Thượng trở nên lầy lội, HS không thể đi học bằng xe đạp. Thậm chí, CMHS cũng không thể đưa con đi học bằng xe máy, buộc phải thuê xe ô tô chở các cháu đến trường. Từ năm 2014 đến nay, mỗi tháng CMHS phải tốn kém thêm gần 200.000 đồng tiền thuê xe…
Xa vời mục tiêu đạt chuẩn
Trường THCS Chu Minh (xã Chu Minh) có dãy lớp học 2 tầng với 8 phòng học được nâng cấp, cải tạo từ năm 2007. Năm 2012, UBND huyện Ba Vì phê duyệt "Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình nâng cấp Trường THCS Chu Minh" với tổng mức đầu tư 14,95 tỷ đồng, dự kiến thời gian thực hiện năm 2012-2013, DA được thực hiện sẽ góp phần giúp nhà trường đạt các tiêu chí xây dựng trường chuẩn. Thế nhưng, đến nay DA vẫn trong giai đoạn… ấp ủ. Hiện tại, trường không có phòng học bộ môn, nhà hiệu bộ và các hạng mục phụ trợ đều xuống cấp, sân chơi lầy lội khi trời mưa...
"Nếu dự án xây dựng nhà hiệu bộ, nhà lớp học bộ môn… được thực hiện và hoàn thiện, thì trường chúng tôi sẽ đạt các tiêu chí trường chuẩn" - Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Lĩnh Phùng Thị Tình bộc bạch. Trường hiện có 555 HS với 17 lớp. Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng Trường THCS Cẩm Lĩnh được UBND huyện Ba Vì phê duyệt từ tháng 10-2010. Nhưng 5 năm chờ đợi chưa thấy DA đâu, trong khi dãy nhà có 10 phòng học được xây dựng từ năm 2005, nay nền nhà bị lún, gạch vỡ, bong tróc, tường nứt, lở vữa. Thậm chí, diện tích các phòng học cũng không đúng quy chuẩn, bởi mỗi phòng chỉ rộng hơn 40m2. Mỗi năm, nhà trường phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để sửa chữa nhỏ như lát lại nền gạch, đắp thêm xi măng để tôn nền những chỗ bị lún… Riêng dãy nhà có phòng thiết bị, thí nghiệm, kế toán, y tế của trường đã hư hỏng nặng, nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.
Tình trạng chung của những trường thiếu thốn CSVC là HS bị thiệt thòi vì thiếu phòng học bộ môn, nhà trường không thể đầu tư thiết bị hiện đại như máy tính, bảng tương tác phục vụ học ngoại ngữ… để dạy cho HS. Tại Trường THCS Phú Cường (xã Phú Cường), nhà hiệu bộ được lấy tạm một phòng học xây từ năm 1978 với vách nứa trát vữa, mái ngói dột phải căng bạt che. Toàn trường có 8 lớp thì 4 lớp được đầu tư bàn ghế 2 chỗ theo quy chuẩn, các lớp còn lại sử dụng bàn ghế gỗ đã dùng 15-20 năm. Hiện, 2 lớp của khối 8 học tại phòng học là nhà cấp 4, có "tuổi thọ" ngót 35 năm. Thầy Lê Hữu Huệ - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Cường bùi ngùi: "Mỗi khi trời mưa, cả cô và trò ở 2 lớp này phải ôm sách vở chạy…". Được biết, DA xây dựng Trường THCS Phú Cường được huyện Ba Vì phê duyệt từ năm 2010, tổng mức đầu tư 26,755 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2011-2013.
Nhưng, DA mới chỉ dừng ở phê duyệt, nên mục tiêu phấn đấu xây dựng trường chuẩn của thầy và trò chỉ là ước mơ xa vời…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.