(HNM) - Chẳng ai ngờ, một làng quê bé nhỏ, kinh tế vào loại trung bình mà bỗng chốc có người gom được của bà con đến cả trăm tỷ đồng. Kịch bản phổ biến là các con nợ kếch xù ôm đống tiền bỏ trốn, còn người cho vay thì cứ ngồi tiếc ngẩn ngơ.
Tại một số vùng ngoại thành Hà Nội hiện nay, tín dụng "đen" đang nở rộ và hoạt động tương đối công khai. Ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm, kinh tế TTCN, dịch vụ phát triển, không thể đếm xuể số người cho vay lãi theo ngày như vậy. Số tiền có thể vay mỗi lần gần như không giới hạn, nhưng thường dao động từ một vài triệu đồng đến khoảng 100 triệu đồng, miễn là người đi vay trả lãi đầy đủ và đúng hạn. Nếu số tiền lớn, lãi suất sẽ tính theo tháng.
Tín dụng “đen” đe dọa các làng quê yên ả thanh bình. Ảnh: Bá Hoạt |
Một chủ lãi ngày có tiếng tại huyện Thạch Thất cho hay, hình thức cho vay lãi ngày mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây. Do thủ tục vay ngân hàng rườm rà, lại khó khăn về thế chấp nên người dân tìm đến những người cho vay theo ngày, gọi nôm na là tín dụng "đen". Người làng xóm, dễ tin tưởng, vay kiểu gì cũng được, bao nhiêu cũng được. Tín dụng "đen" ở nông thôn giờ cũng "quy mô, chuyên nghiệp". Và điều đáng nói, nhiều người dân sẵn sàng cho hệ thống tín dụng "đen" này vay tiền thay vì gửi NH. Chị Phạm Thị Định, thôn Bá Giang, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng không ngần ngại cho hay, chị thường xuyên cho các đối tượng này vay lãi ngày, biết là rủi ro cao nhưng vì lãi suất tới 40%/tháng nên ky cóp được đồng nào là cho các chủ tàu chuyên chở vật liệu xây dựng và một số hộ làm ăn lớn trong vùng vay.
Theo anh Nguyễn Văn Trường, chủ cơ sở chế tác đá ở xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, đang lúc cần vốn, anh được một "cò" có tiếng ở huyện Quốc Oai giới thiệu, anh tiếp cận với một NH TMCP vay 900 triệu đồng, thời hạn vay là 3 năm, thế chấp mảnh đất ở của gia đình. Số tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của "cò" với lý do thanh toán tiền hàng và anh nhận lại sau khi "cò" rút tiền, mọi thủ tục giấy tờ do "cò" lo từ A đến Z, theo thỏa thuận, anh phải trích lại cho "cò" 10% tổng số tiền được vay. Đây là cái "bẫy" do "cò" giăng mà anh Trường không biết, tiền được NH chuyển vào tài khoản của "cò" đầy đủ và anh phải chật vật nửa năm với nhiều cách khác nhau mới lấy đủ số tiền đã được vay trong khi hằng tháng phải trả lãi đều đặn cho NH. Tiếng là vay theo lãi suất của NH nhưng xét cho cùng là vay tín dụng "đen", anh Trường nói. Theo anh Trường, không chỉ cơ sở sản xuất của anh bị đối tượng "cò" này chiếm dụng tiền vay mà nhiều DN làng nghề ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ); xã Hữu Bằng (Thạch Thất)… cũng bị chiếm dụng theo hình thức trên với số tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng. Rất nhiều trong số đó, hiện vẫn bị chiếm dụng tới 80-90% số tiền vay được, hay nói đúng hơn là nguy cơ mất trắng tài sản đang ở rất gần.
Trên địa bàn huyện Chương Mỹ thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ vỡ nợ lớn ở các xã như Trung Hòa, Quảng Bị… với số tiền lên tới trên 100 tỷ đồng ở mỗi địa phương. Tại xã Quảng Bị vừa xảy ra vụ vỡ nợ 100 tỷ đồng, bao nhiêu vốn liếng ky cóp được, các gia đình đều cho vợ chồng Huệ - Thông ở thôn 2 vay, lúc đầu chị Huệ vay làm ăn buôn bán, sau dính vào cờ bạc, đề đóm rồi "thua ham gỡ" nên càng ngày càng dấn sâu vào nợ nần, vỡ nợ theo dây chuyền, chủ lớn nợ chủ nhỏ. Người ít thì vài chục triệu đồng, người nhiều lên tới 2-3 tỷ đồng. Sau bận đó, làng quê như trống rỗng, người bị hại đa phần là phụ nữ. Vợ chồng Huệ - Thông vỡ nợ trốn biệt, ngôi nhà to tướng ở ngay mặt đường tỉnh lộ thì bị một nhóm có máu mặt xiết nợ, chủ nợ còn lại phần lớn là phụ nữ chỉ biết ngồi tiếc của.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.