(HNM) - Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa kéo dài đang gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, với ước tính thiệt hại đã vượt số tiền 5,7 tỷ USD.
Việc Chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần đang tác động tiêu cực tới kinh tế và đời sống nước này. |
Chỉ ít giờ sau đó, Nhà Trắng tiếp tục ra thông báo về việc không chỉ Tổng thống mà toàn bộ đoàn đại biểu Mỹ cũng sẽ vắng mặt tại sự kiện kinh tế quan trọng hàng đầu thế giới này. Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ cáo buộc “thủ phạm” dẫn tới việc hủy bỏ tham gia WEF 2019 là các nghị sĩ Đảng Dân chủ, những người đang phản đối việc chi 5,7 tỷ USD xây bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico.
Động thái mới nói trên là một trong những rắc rối mà nước Mỹ phải đối mặt trong bối cảnh chính phủ đang bị đóng cửa một phần và chưa có hướng đi nào khả thi. Hiện Đảng Dân chủ nhất quyết phản đối việc xây bức tường biên giới, trong khi Tổng thống D.Trump vẫn khăng khăng đề nghị được cấp tiền để xây dựng tường rào như một điều kiện để mở cửa lại chính phủ.
Theo AP, Tổng thống D.Trump đã liên tục gia tăng sức ép với các đối thủ chính trị trong nước. Phát biểu tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 17-1, Tổng thống Mỹ cho rằng phe Dân chủ ở lưỡng viện đang mong muốn đàm phán với ông nhằm đạt được một thỏa thuận mở cửa lại chính phủ, nhưng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã không để cho họ đàm phán. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí không phê duyệt chuyến thăm Bỉ, Ai Cập và Afghanistan của Chủ tịch Hạ viện. Trước đó, ngày 16-1, bà N.Pelosi đã gửi tới Tổng thống D.Trump một gợi ý về việc hoãn bài phát biểu Thông điệp liên bang (dự kiến vào ngày 29-1). Tuy nhiên, đề nghị này chưa nhận được hồi đáp từ phía Tổng thống D.Trump.
Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa kéo dài đang gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, với ước tính thiệt hại đã vượt số tiền 5,7 tỷ USD. Ngành Du lịch tại đất nước Cờ hoa, với 400 công viên quốc gia có doanh thu trung bình 18 triệu USD/ngày, đang dần mất khách vì một số công viên tạm đóng cửa, nhiều dịch vụ ngừng hoạt động.
Thiệt hại cũng diễn ra với người dân nước Mỹ. Nông dân vẫn chưa thể nhận được các khoản trợ cấp giúp họ giảm thiệt hại do cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Việc Bộ Nông nghiệp Mỹ chưa công bố số liệu về sản lượng và giá nông sản như mọi năm cũng đồng nghĩa họ không thể lên kế hoạch cho vụ mùa sắp tới. Các công ty gia đình đang đầu tư, thuê nhân công và phát triển kinh doanh cũng buộc phải tạm dừng kế hoạch do Cục Quản lý doanh nghiệp nhỏ của Mỹ hoãn cho vay.
Hiện nay, một số giải pháp tạm thời đã được đưa ra, như việc Tổng thống D.Trump phê chuẩn đạo luật đối xử công bằng với nhân viên chính phủ, nhằm bảo đảm việc bồi hoàn lương cho các nhân viên liên bang sau khi chính phủ hoạt động trở lại. Tuy nhiên, việc các nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không thể duy trì cho chính phủ hoạt động ổn định cho thấy sự rạn nứt sâu sắc trên chính trường Mỹ. Mâu thuẫn được thể hiện qua việc Hạ viện Mỹ ngày 10-1 đã thông qua hai dự luật giúp khôi phục hoạt động của một số cơ quan chính phủ, nhưng Thượng viện Mỹ (do đảng Cộng hòa kiểm soát) lại phớt lờ các dự luật này.
Theo các nhà phân tích, câu trả lời bao giờ Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại dường như còn rất mờ mịt nếu các bên vẫn ứng xử theo cách "ăn miếng, trả miếng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.