Thủ đoạn lừa đảo của ổ nhóm do Trần Nguyễn Minh cầm đầu là làm giả giấy tờ (giấy ủy quyền, hộ khẩu, CMND…). Không chỉ làm giả giấy tờ để lừa đảo, các đối tượng phạm tội còn làm giả bằng cấp, hồ sơ để xin việc làm nhằm mục đích trộm cắp tài sản.
1001 kiểu làm giả giấy tờ
Khu diện tích 3.308m2 tọa lạc tại phường Thạnh Lộc, quận 12 do ông N.V.C. đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được UBND quận 12 cấp vào năm 2001. Khi ông C. qua đời vào năm 2007, một người con của ông lấy “sổ đỏ” thế chấp cho ông Nguyễn Như Lợi (68 tuổi, ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh) để vay tiền.
Mẫu dấu mộc đỏ thật (trái) và mộc đỏ giả. |
Có “sổ đỏ” trong tay, ông Lợi câu kết cùng ông Mai Đình Thuận (39 tuổi, ngụ phường Tân Hưng Thuận, quận 12) và ông Trần Quốc Hưng (52 tuổi, ngụ phường 11, Gò Vấp) làm giả tờ giấy ủy quyền với nội dung ông N.V.C. ủy quyền cho ông Lợi được toàn quyền định đoạt khu đất nói trên. Từ đó ông Lợi đã chuyển nhượng khu đất này cho ông Nguyễn Mạnh Chiến (43 tuổi, ngụ quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) với giá 3 tỷ đồng và đã nhận đủ tiền.
Đến tháng 11/2011, ông Chiến phát hiện ông C. đã chết từ năm 2007 nên không thể có chuyện ủy quyền này. Ông Chiến điện thoại, tìm đến nhà nhưng đều không gặp được ông Lợi. Sau đó, ông Chiến tố cáo ông Lợi đến cơ quan Công an…
Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh vừa có kết luận điều tra bổ sung vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, tàng trữ trái phép chất ma túy và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” do các đối tượng Trần Nguyễn Minh cầm đầu. Thủ đoạn lừa đảo của bọn này là làm giả giấy tờ (hộ khẩu, CMND…) đem đi thế chấp để thuê xe ôtô tự lái sau đó mang đi bán hoặc cầm cố kiếm tiền tiêu xài. Không chỉ làm giả giấy tờ để lừa đảo, các đối tượng phạm tội còn làm giả bằng cấp, hồ sơ để xin việc làm nhằm mục đích trộm cắp tài sản.
Trần Quốc Trung (39 tuổi, quê quán huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) là một đối tượng sống lang thang, để có thể xin việc làm với dụng ý xấu y làm hồ sơ giả (gồm sơ yếu lý lịch, CMND, bằng cấp) rồi xin làm ở Công ty Thế Giới Hoàn Hảo (địa chỉ 13/14, Lê Thánh Tôn, quận 1, TP Hồ Chí Minh) chuyên sửa chữa điện thoại di động.
Ngay buổi trưa ngày đầu tiên vào thử việc, trong lúc các nhân viên khác đang nghỉ ngơi thì Trung âm thầm trộm 5 máy ĐTDĐ Iphone trong phòng kỹ thuật rồi chuồn êm. Không bao lâu sau Trung lại làm một bộ hồ sơ giả để xin việc ở cửa hàng ĐTDĐ Yes Shop nằm trên đường 3-2, phường 14, quận 10. Tuy nhiên lần này Trung đã bị lực lượng Công an lật tẩy và buộc phải tra tay vào còng.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Huyền, Đội trưởng đội phòng chống trộm cắp và lừa đảo thuộc Phòng PC45 (Công an TP Hồ Chí Minh) còn cho biết, trong thời gian vừa qua Đội khám phá khá nhiều đường dây trộm và tiêu thụ xe gian liên tỉnh. Số lượng xe bị trộm và tiêu thụ lên đến hàng trăm chiếc đều được bọn tội phạm làm giả giấy tờ rồi mang đi cầm cố, tiêu thụ và tất cả đều thực hiện một cách trót lọt.
Cần trang bị kính lúp, mẫu so sánh
Làm sao để mọi người có thể phát hiện được giấy tờ giả nhằm tự cứu mình tránh khỏi những vụ lừa đảo? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã trao đổi với Thượng tá Nguyễn Hồng Quang, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh.
Thượng tá Quang cho hay, mỗi năm, Phòng Kỹ thuật hình sự tiếp nhận khoảng 700 - 800 vụ yêu cầu trưng cầu giám định và qua đó đã phát hiện khá nhiều vụ làm giả…
Đồng chí Quang đưa cho tôi xem hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cho tôi thử phân biệt thật, giả. Mặc dù xem khá kỹ các chi tiết trên giấy chứng nhận nhưng tôi vẫn không thể phân biệt đâu là giấy thật, đâu là giấy giả.
Thấy vậy, đồng chí Quang lấy một kính lúp lần lượt đặt lên dấu mộc đỏ, hình Quốc huy bảo tôi nhìn rồi giải thích: “Nếu là mộc giả khi nhìn vào thì mọi người sẽ thấy chữ in trên mộc sẽ có những răng cưa còn thật thì không. Còn hình Quốc huy nếu giả thì rất nhạt còn thật thì trông rất nét”.
Trong trường hợp không dùng kính lúp thì theo đồng chí Quang cách hay nhất là phải có mẫu thật để đối chiếu vì màu trên các loại giấy tờ giả thường nhạt và không rõ nét bằng giấy thật được in bởi kỹ thuật cao. Mặt khác, mộc đỏ giả thường gọn gàng hơn mộc thật.
Với cách phân biệt cơ bản như vậy thì những nơi thường xuyên tiếp xúc với các loại giấy tờ như phòng công chứng, chứng thực, ngân hàng, dịch vụ cầm đồ… rất cần trang bị kính lúp (phóng đại gấp 20 lần trở lên là được) và những mẫu giấy tờ, mộc đỏ thật để so sánh là có thể phát hiện được những dấu hiệu bất thường của các loại giấy tờ giả.
Đồng chí Quang cũng lưu ý những cách phân biệt nói trên chỉ mang tính chất tương đối vì trên thực tế có những loại giấy tờ được làm giả rất cao siêu, phải có những thiết bị máy móc của cơ quan chuyên ngành thì mới có thể phát hiện được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.