Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triệt phá vụ mua bán, vận chuyển giấy tờ giả qua dịch vụ bưu chính

Chu Dũng| 07/04/2023 06:52

(HNMO) - Ngày 7-4, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) đã thông tin ban đầu về đường dây mua bán, vận chuyển giấy tờ giả qua dịch vụ bưu chính.

Theo đó, trên cơ sở tiếp nhận hồ sơ để điều tra, ngày 10-3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; ra quyết định khởi tố bị can đối với 5 đối tượng về hành vi phạm tội trên.

Các đối tượng trong vụ án gồm: Nguyễn Anh Tiệp (sinh năm 1983), Lê Thu Minh (sinh năm 1988), cùng trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội; Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1998; ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội); Chung Thị Linh (sinh năm 2001) và Nguyễn Đức Trung (sinh năm 1994), cùng ở phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Các đối tượng trong vụ án.

Tháng 11-2022, Cục An ninh chính trị nội bộ nắm được manh mối về đường dây sản xuất giấy tờ giả, lợi dụng dịch vụ bưu chính để mua bán, vận chuyển giấy tờ giả.

Để tránh sự phát hiện của lực lượng công an, đối tượng gửi hàng qua nhiều khâu trung gian; thường xuyên thay đổi nơi gửi, sử dụng nhiều người để giao dịch tại nhiều bưu cục của các doanh nghiệp bưu chính.

Đối tượng đồng thời tạo nhiều tài khoản của các doanh nghiệp bưu chính công nghệ bằng cách kích hoạt nhiều sim “rác” của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để đăng ký tài khoản, sau đó hủy ngay sim để xóa dấu vết.

Đáng chú ý, các đối tượng đã sử dụng căn cước công dân giả để đăng ký tài khoản ngân hàng; lợi dụng việc cho phép mở tài khoản bằng phương thức điện tử, không cần phải đến phòng giao dịch để kiểm tra căn cước công dân, đối chiếu nhận dạng... để mở tài khoản ngân hàng nhằm thu lợi bất chính từ hoạt động sản xuất, mua bán giấy tờ giả.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ và qua rà soát, các trinh sát Cục An ninh chính trị nội bộ đã dựng được chân dung của 5 đối tượng nghi vấn, gồm vợ chồng Tiệp - Minh; Thành và cặp đôi Linh - Trung. Trong số đó, Tiệp có 2 tiền án, với 1 tiền án về tội sản xuất giấy tờ giả.

Khoảng 19h ngày 1-3, Ban chuyên án đã phối hợp với Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) bắt quả tang Nguyễn Anh Tiệp đang mang 53 loại giấy tờ giả, gồm giấy phép lái xe, căn cước công dân, chứng minh nhân dân; 6 biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe…

Khám xét khẩn cấp căn hộ của Tiệp, lực lượng chức năng thu giữ 19 thiết bị, máy móc dùng để phục vụ việc sản xuất giấy tờ giả; 3 máy khắc dấu và gần 500 con dấu của cơ quan, tổ chức; 42 giấy tờ giả thành phẩm và hơn 7.000 phôi dùng để sản xuất giấy tờ giả.

Mở rộng đấu tranh, Cục An ninh chính trị nội bộ đã khám xét nhà của vợ chồng Tiệp - Minh tại một khu đô thị phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thu giữ 300 phôi, thẻ nhựa…

Cùng thời điểm, Cục An ninh chính trị nội bộ phối hợp với Công an thành phố Hà Nội tổ chức nhiều mũi công tác, đồng loạt triển khai triệu tập các đối tượng có liên quan, trong đó có Minh, Thành, Linh và Trung. Kết quả khám xét, Cục An ninh chính trị nội bộ phát hiện thêm một cơ sở sản xuất giấy tờ tại phòng trọ của đối tượng Thành ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thu giữ 5 thiết bị, máy móc; 11 con dấu của cơ quan, tổ chức; 117 giấy tờ giả thành phẩm cùng hơn 1.000 phôi dùng để sản xuất giấy tờ giả.

Kết quả khám xét đã thu giữ 24 thiết bị để sản xuất giấy tờ giả (máy vi tính, máy in màu, máy in thẻ, máy scan, máy cán màu, máy cắt phôi, máy ép platics, máy ép thẻ, máy ép thủ công, điện thoại di động, máy tính bảng...), 3 máy khắc con dấu và gần 500 con dấu của cơ quan, tổ chức; 768 giấy tờ giả thành phẩm (căn cước công dân gắn chíp, giấy triệu tập của cơ quan công an, tem đăng kiểm ô tô, giấy chứng nhận sử dụng đất, giấy chứng nhận Công an nhân dân...); 8.978 phôi dùng để sản xuất giấy tờ giả (bằng tốt nghiệp đại học, căn cước công dân, bằng lái xe, giấy chứng nhận sử dụng đất...).

Tại cơ quan công an, bước đầu các đối tượng khai nhận, từ năm 2018, Tiệp bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu, mua thiết bị để sản xuất các loại giấy tờ giả. Sau đó, từ năm 2019, Tiệp cùng vợ là Minh bắt đầu sản xuất giấy tờ giả tại nhà.

Với số giấy tờ giả được sản xuất theo đơn đặt hàng trên mạng, các đối tượng thu lời mỗi tháng từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Trong đường dây phạm tội này, Thành là đối tượng trực tiếp sản xuất giấy tờ giả theo chỉ đạo của vợ chồng Tiệp - Minh; đồng thời là đối tượng giao, nhận giấy tờ giả cho các “mắt xích” trong đường dây, trong đó có Linh và Trung; hưởng lợi 30 triệu đồng/tháng.

Về phần Linh và Trung, sau khi nhận hàng, hai đối tượng sẽ đóng giấy tờ giả, trà trộn vào các hàng hóa thông thường để gửi đến người mua, thông qua các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triệt phá vụ mua bán, vận chuyển giấy tờ giả qua dịch vụ bưu chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.