(HNM) - Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, mặc dù tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm cả ba tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm trước, nhưng tình trạng vi phạm giao thông sau Tết đang diễn biến hết sức phức tạp
Bia rượu: "Gốc" của tai nạn!
Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong 8 ngày nghỉ Tết Giáp Ngọ, toàn quốc xảy ra 530 vụ TNGT, làm chết 253 người, bị thương 563 người. Thống kê cho thấy, gần 100% số vụ TNGT nói trên liên quan đến sử dụng rượu bia trước khi tham gia giao thông, nhất là thường xảy ra ở các tuyến đường liên thôn, liên huyện. Tại Hà Nội, chỉ tính riêng trong 3 ngày Tết (từ ngày 30-1 đến 2-2-2014), tại huyện Thường Tín xảy ra 2 vụ TNGT làm 2 người chết; 3 huyện là Ba Vì, Phúc Thọ, Mê Linh, mỗi huyện xảy ra 1 vụ và đều làm 1 người chết. Đặc biệt, vào hồi 16h ngày 3-2-2014 (mùng 4 Tết), tại địa phận thôn Chân Chim (huyện Mỹ Đức) xảy ra vụ va chạm giữa xe mô tô BKS 29Y1-118.53 (trên xe có 3 người) với xe mô tô BKS 26B1-133.25 (trên xe có 2 người) khiến 4 người bị thiệt mạng, 1 người bị thương.
CSGT kiểm tra, xử phạt người vi phạm luật giao thông trên địa bàn huyện Đan Phượng Ảnh: Giang Sơn |
Đi tìm nguyên nhân xảy ra những vụ việc trên, phóng viên nhận thấy, trong dịp Tết, tại nhiều tuyến đường liên xã, nhiều trường hợp say bia rượu nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Sau Tết, ngay từ mùng 5 tháng Giêng, nhiều xã của các huyện Thanh Oai, Đông Anh, Hoài Đức, Mỹ Đức… đã diễn ra hội làng, vi phạm giao thông tăng đột biến. Trong dịp lễ hội, không chỉ người dân địa phương mà nhiều du khách ở các nơi về tham dự, sau khi ăn uống tưng bừng thì tham gia giao thông ngay. Thực tế cho thấy, tình trạng nêu trên hoàn toàn có thể được ngăn chặn nếu chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trao đổi với phóng viên, Thượng úy Đặng Thành Trung, Đội phó Đội CSGT số 12 - Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an TP Hà Nội) nhận định: Trong nhiều vụ việc, nguyên nhân chủ yếu gây ra va chạm vẫn chủ yếu là do người cầm lái đã uống rượu bia, chạy quá tốc độ, lưu thông không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định...
Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền - Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an TP Hà Nội) cho biết: Từ ngày 1-2 đến 18-2-2014, Phòng CSGT đã xử lý 30.768 trường hợp vi phạm giao thông, tổng số tiền phạt là hơn 8 tỷ đồng, tạm giữ 1.117 phương tiện vi phạm. Các lỗi người tham gia giao thông vi phạm chủ yếu là đi sai phần đường, không chấp hành đèn tín hiệu, đi vào đường cấm… Trong đó, có 742 trường hợp chạy quá tốc độ, 62 trường hợp sử dụng rượu bia và 5.975 trường hợp không đội MBH. Các vụ tai nạn trong dịp vừa qua đã làm chết 58 người, bị thương 134 người. |
Vô tư "đầu trần"qua "chốt"
Ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới Giáp Ngọ, nhiều người đổ ra đường, tìm đến những địa điểm vui chơi, lễ hội, khiến mọi nẻo đường luôn tấp nập, nhộn nhịp. Hiện nay, tình trạng người điều khiển xe máy du xuân "quên" đội mũ bảo hiểm (MBH), phớt lờ luật giao thông diễn ra khá phổ biến. Theo ghi nhận của phóng viên, trên các tuyến phố ở các quận nội thành như Cầu Giấy, Nguyễn Trãi, Tôn Đức Thắng, Láng, Hàng Bông… những người diễu phố không đội MBH đa phần là thanh, thiếu niên. Cá biệt có nhiều người treo MBH trên xe máy và chỉ đội lên đầu khi có CSGT. Không chỉ có vậy, tình trạng kẹp 3, kẹp 4, lạng lách đánh võng, đi vào đường ngược chiều, không chấp hành pháp luật diễn ra tại khá nhiều tuyến phố. Thậm chí, nhiều trường hợp vi phạm khi lực lượng CSGT yêu cầu dừng xe, kiểm tra giấy tờ còn cố tình không chấp hành, phóng nhanh, vượt ẩu để trốn tránh, gây bức xúc cho dư luận.
Để tránh tình trạng người dân "nhờn" luật, bảo đảm trật tự ATGT, đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng CSGT đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT, nhất là vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe, chạy quá tốc độ, đi xe mô tô, xe gắn máy không đội MBH; chở 3, chở 4 người… Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông ở khu vực nông thôn cần được nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng tránh nguy cơ TNGT để bảo vệ chính mình và người thân, nhất là trong thời điểm mùa lễ hội như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.