(HNM) - Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo tư vấn liên ngành về tái thiết lập, củng cố chương trình phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt và triển khai quy định về muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP do Bộ Y tế tổ chức ngày 2-12.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, từ năm 1994, chương trình phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt đã được thiết lập và triển khai. Đến năm 2005, Việt Nam đã là một trong những nước đi đầu trong công cuộc loại trừ tình trạng các rối loạn do thiếu hụt i-ốt. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra trẻ từ 8 đến 10 tuổi trên toàn quốc năm 2014 cho thấy, tỷ lệ bướu cổ là 9,8%.
Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, đủ i-ốt là nền tảng cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, số liệu gần đây cho thấy, Việt Nam đang ở trong một tình trạng đáng lo ngại vì các rối loạn do thiếu i-ốt có thể sẽ quay lại Việt Nam, đặc biệt là ở các khu vực có nguy cơ cao như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, nơi việc tiêu thụ muối i-ốt đã giảm ở mức báo động. UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế và các bộ liên quan khác để giải quyết thách thức này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.