Sức khỏe

Báo động rối loạn lo âu ở người trẻ

Thu Trang 30/12/2023 - 07:36

Khi đối mặt với áp lực trong công việc, cuộc sống và học tập, nhiều người trẻ thường lo lắng thái quá đến những chuyện ở tương lai hoặc suy nghĩ tiêu cực về sai lầm trong quá khứ.

Đáng báo động là từ những lo lắng vô lý dần tích tụ thành rối loạn lo âu - một trong những chứng bệnh rối loạn tâm lý rất phổ biến hiện nay.

cham-soc-cho-benh-nhan-bi-s.jpg
Chăm sóc cho bệnh nhân bị stress, rối loạn lo âu tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Dương Ngọc

Sinh bệnh do lo lắng thái quá

Từ khi chuyển cấp, học tại một trường chuyên khiến N.V.M (15 tuổi ở Hà Nội) chỉ biết “lao đầu” vào việc học. M luôn lo sợ bản thân bị rơi xuống nhóm cuối lớp, bị bạn bè và bố mẹ nghĩ mình kém cỏi. Vì vậy, em càng ra sức học suốt ngày đêm, không còn quan tâm đến những việc xung quanh. Càng ngày, M càng cảm thấy lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi, thiếu ngủ và luôn trong tình trạng ngủ không sâu giấc. Khi thấy con sụt cân không rõ lý do, bố mẹ đã đưa M đi khám. Tại khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương), các bác sĩ chẩn đoán, M bị rối loạn lo âu liên quan đến những áp lực về học tập.

Tương tự, anh Đ.M.H (30 tuổi ở Hà Nội) là tài xế của một hãng taxi công nghệ, luôn có một nỗi lo thường trực là sẽ gặp phải tai nạn giao thông trên đường. Nỗi lo này xuất hiện kể từ thời điểm người thân của anh mất vì tai nạn giao thông. Chính sự lo lắng thái quá đã đẩy anh H rơi vào chứng bệnh rối loạn lo âu.

Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cũng thường xuyên tiếp nhận nhiều người trẻ, trong đó có cả học sinh, sinh viên, đến khám và được phát hiện mắc chứng rối loạn lo âu.

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, bình thường ai cũng có lúc cảm thấy lo lắng, đặc biệt là tình trạng lo âu thường xuất hiện vào những thời điểm cuộc sống gặp phải nhiều biến cố, áp lực... Các triệu chứng của lo âu có thể bao gồm: Liên tục lo lắng, ám ảnh về mối quan tâm nhỏ hay lớn, bồn chồn, mệt mỏi, khó tập trung tâm trí, khó chịu, cảm thấy bối rối hoặc dễ dàng bị giật mình, khó ngủ, khó thở hoặc nhịp tim nhanh…

“Một số lo lắng là bình thường, nhưng nếu cảm thấy lo lắng quá nhiều và tăng lên theo thời gian kèm các dấu hiệu, như: Cảm thấy chán nản, có rắc rối với rượu hoặc ma túy, có vấn đề sức khỏe tâm thần khác cùng với lo âu hay có ý nghĩ tự tử thì nên đi khám chuyên khoa”, Tiến sĩ - bác sĩ Trần Thị Hồng Thu lưu ý.

Tăng nguy cơ có ý định tự sát

Ngoài yếu tố di truyền, các chuyên gia y tế cũng cho rằng, hiện nay, do những căng thẳng, stress, áp lực trong cuộc sống khiến con người càng dễ mắc phải chứng bệnh rối loạn lo âu.

Đáng lo ngại, nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy giảm về sức khỏe thể chất (tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, nội tiết...), ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội nghề nghiệp, tăng nguy cơ lạm dụng rượu và các thuốc khác vì bệnh nhân thường tự dùng để giảm các triệu chứng. Nguy hiểm hơn, nếu không được giải tỏa, bệnh nhân suy nghĩ lặp đi lặp lại về cái chết và lựa chọn việc tự tử. Người mắc rối loạn lo âu tăng nguy cơ có ý tưởng tự sát lên hơn 2,3 lần so với bình thường.

Để nhận diện và có giải pháp điều trị sớm, theo bác sĩ chuyên khoa II Bùi Văn Lợi, Phòng Điều trị rối loạn liên quan stress và tình dục, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), các triệu chứng cơ thể của lo âu rất phong phú, bao gồm: Khó thở, khó chịu ở ngực hoặc bụng; buồn nôn, đi ngoài, đi tiểu nhiều lần, các cơn đỏ mặt, ớn lạnh, tê bì, tê cóng hoặc cảm giác kim châm yếu, căng cơ hoặc đau đớn, không đứng vững và cảm giác sắp ngất.

Còn về mặt hành vi, người mắc rối loạn lo âu thường biểu cảm trạng thái sợ hãi, thu rút, né tránh, dễ cáu bẳn, bất động, thở nhanh, khó nói; tăng nhạy cảm, giảm tập trung chú ý, sợ mất kiểm soát hoặc hóa điên. Người bệnh thường suy nghĩ mọi việc theo hướng trầm trọng hóa, thảm họa hóa vấn đề…

Trạng thái lo âu khiến người bệnh luôn căng thẳng, cáu kỉnh, cảm giác tù túng, đang bên bờ vực và không thể thư giãn. Trạng thái này có hoặc không liên quan rõ rệt với sang chấn tâm lý. Điều đáng lo ngại là các rối loạn này không dần mất đi khi sang chấn tâm lý không còn.

Chính vì vậy, bác sĩ chuyên khoa II Vũ Thị Lan, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra lời khuyên, mỗi người cần duy trì hoạt động thể chất, phát triển thói quen tập thể dục đều đặn hằng ngày tốt cho sức khỏe thể chất và tâm thần. Ngoài ra, tránh sử dụng rượu và các chất kích thích, như: Cà phê, thuốc lá, chất gây nghiện khác; quản lý stress và có các phương pháp thư giãn, như: Yoga, thiền định...

Đồng thời, tạo thói quen đi ngủ và thức giấc đúng giờ, có đủ số lượng và chất lượng giấc ngủ. Kèm theo đó là chế độ ăn lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng và tham gia các hoạt động xã hội. Khi có những dấu hiệu lo âu tột độ, người bệnh không nên bỏ qua, xem nhẹ mà nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra, đánh giá mức độ và lên phác đồ điều trị phù hợp, tránh gây ra những hậu quả không đáng có.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo động rối loạn lo âu ở người trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.