(HNM) - Trong những năm qua, nguồn nước trên sông Sài Gòn, chảy qua địa phận TP Hồ Chí Minh không ngừng suy giảm về các chỉ số chất lượng nước. Điều đáng báo động, nguồn nước trên không đạt quy chuẩn chất lượng phục vụ sinh hoạt.
Ông Nguyễn Hoài Đức, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (viết tắt UBBVMT) cho biết, nguồn nước sông Sài Gòn bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh từ khu vực cửa sông Thị Tính và tăng dần về phía hạ lưu. Đặc biệt, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nước sông đã bị ô nhiễm hữu cơ, hàm lượng BOD5, COD, vi sinh… đều không đạt quy chuẩn chất lượng nước mặt phục vụ sinh hoạt.
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), mức độ ô nhiễm vi sinh trong nước sông Sài Gòn vượt chuẩn vài chục lần, thậm chí có thời điểm lên đến 400 lần (chủ yếu ở hạ lưu), trong khi nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, nước thải sinh hoạt và các loại chất thải nguy hại khác từ các khu đô thị, cơ sở sản xuất, y tế… vẫn hằng ngày đổ xuống mà chưa được xử lý. Trong khi đó, tính đến hết năm 2012, trên địa bàn TP đã có tới 35/37 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm tỷ lệ 94,6%), trong khi 2 cơ sở còn lại là Nhà máy xi măng Hà Tiên (quận 9) và Nhà máy đóng tàu Ba Son (quận 1), dù có khắc phục ô nhiễm nhưng chưa triệt để.
Trong 5 năm vừa qua (2007 - 2012), trên lưu vực sông Sài Gòn (địa phận TP Hồ Chí Minh), đã có 9 dự án hạ tầng xử lý nước thải, bảo vệ môi trường được thực hiện, gồm: Dự án cải thiện môi trường nước TP lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (giai đoạn 2); vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2); giảm thất thoát nước và tăng cường mở rộng mạng lưới cấp nước 2010 - 2015… Thế nhưng, phần lớn các dự án trên vẫn chưa hoàn thành và có dự án phải kéo dài đến năm 2017 do thiếu vốn (vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu).
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho rằng, trong những năm qua, công tác phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ môi trường nguồn nước sông Sài Gòn có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn bộc lộ không ít khó khăn, thách thức, trong đó, nguồn vốn để thực hiện các dự án bảo vệ môi trường lưu vực sông và nguồn nước vẫn còn thiếu.
Thứ trưởng Bộ TNMT Bùi Cách Tuyến đánh giá, công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông còn mang tính hình thức, đối phó; các địa phương, ban, ngành phối hợp hoạt động, kiểm tra giám sát đôi lúc chồng chéo; đặc biệt vai trò của cộng đồng trong việc tham gia công tác bảo vệ môi trường chưa phát huy mạnh mẽ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.