(HNMO) - Do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, nhiều người lao động gặp khó khăn về việc làm, thu nhập, nhất là vào thời điểm cuối năm. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm việc làm, giữ ổn định về đời sống cho người lao động, tạo điều kiện để họ yên tâm làm việc.
Chú trọng bảo đảm việc làm
Trong quý IV-2021, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Hà Nội sôi động trở lại, nên nhu cầu tuyển dụng lao động tăng. Trong khi đó, không ít người bị mất việc làm và thu nhập do Covid-19 khó tiếp cận với cơ hội việc làm mới. Để cung - cầu về lao động gặp nhau, các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm theo hình thức trực tuyến, trực tiếp tại thị trường Hà Nội, đồng thời kết nối với một số tỉnh, thành phố khác.
Thông qua hình thức này, hàng nghìn người lao động có được việc làm, còn người sử dụng lao động có cơ hội tuyển được nhân sự phù hợp. Bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Chánh Văn phòng (Liên hiệp hợp tác xã Ocop Việt Nam) cho hay: “Dịp cuối năm, đơn vị có nhu cầu tuyển hàng chục nhân sự cho công việc bán hàng, kinh doanh... Để tiếp cận với nguồn cung, từ tháng 10-2021 đến nay, chúng tôi đã tham gia nhiều phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hà Nội tổ chức".
Về phía người lao động, anh Trần Quốc Dũng, tổ dân phố Văn Trì, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Tham gia phiên giao dịch việc làm kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố vào ngày 25-11 vừa qua, tôi đã trúng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh tại một doanh nghiệp trên địa bàn quận Cầu Giấy”.
Giải pháp bảo đảm việc làm khác được các cơ quan chức năng chú trọng triển khai là cho vay vốn để người lao động tự sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, nguồn vốn vay ưu đãi dành cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã trở thành điểm tựa của nhiều người, gia đình trong giai đoạn khó khăn. Được tiếp cận với nguồn vốn này, anh Nà Văn Tình, thôn Cả, xã Phù Ninh (huyện Sóc Sơn) phấn khởi cho biết: “Nhờ khoản vay ưu đãi, gia đình tôi đã khôi phục hoạt động xưởng gỗ, mua thêm nguyên liệu, gọi thợ về làm việc, mỗi ngày mang lại thu nhập khoảng 300.000 đến 400.000 đồng. Với đà phục hồi này, tôi tin khó khăn sẽ dần lùi xa”.
Ngoài trường hợp nêu trên, từ cuối tháng 9-2021 đến nay, Hà Nội có 10.388 lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 được vay vốn tạo việc làm với số tiền 500 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hà Nội còn triển khai nhiều giải pháp khác nhằm giải quyết việc làm cho người lao động như đào tạo nghề, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.... Kết quả, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong quý IV, mỗi tháng Hà Nội giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động, nâng tổng số người được giải quyết việc làm năm 2021 ước đạt gần 200.000 người, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 160.000 người).
Thiết thực chăm lo đời sống
Không chỉ quan tâm tạo việc làm, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội còn bảo đảm đời sống cho người lao động bằng những hành động, việc làm thiết thực. Nổi bật là, việc triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, chính sách hỗ trợ tiền mặt cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được triển khai từ đầu tháng 10-2021 đến nay đã có gần 1,64 triệu người lao động thụ hưởng, với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
Những trường hợp gặp khó khăn trong cuộc sống, công việc cũng nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Có thể kể đến trường hợp chị Hoàng Thị Thủy, nhân viên nuôi dưỡng Trường Mầm non Uy Nỗ (huyện Đông Anh). Hiện nay, thu nhập của chị Thủy được khoảng 4 triệu đồng/tháng, chồng chị là lao động tự do, sức khỏe yếu, con còn nhỏ, lại bị bệnh, phải điều trị thường xuyên. Vì thế, dù nhà ở bị xuống cấp, gia đình chị Thủy không đủ khả năng để xây nhà mới. Nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động, gia đình chị Thủy được Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà. Ngôi nhà mang tên “Mái ấm công đoàn” của gia đình chị Thủy vừa hoàn thành, giúp các thành viên có cuộc sống tốt hơn.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần, bà Vũ Thị Hạnh, Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp Thuận Phát (quận Đống Đa) cho biết, dù chưa có kế hoạch cụ thể về mức thưởng, nhưng công ty cố gắng duy trì chế độ thưởng Tết cho người lao động, góp phần động viên họ yên tâm gắn bó với công việc.
Còn ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thông tin, thời điểm cuối năm, việc chăm lo Tết cho công nhân, người lao động là một trong những hoạt động trọng tâm của tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp. Trên phạm vi rộng hơn, Liên đoàn Lao động thành phố đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động, cố gắng để mọi người đều có Tết.
Các cơ quan chức năng, các địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng có nhiều chương trình, hoạt động chăm lo đời sống cho người dân, người lao động. “Đó là những minh chứng rõ nhất để khẳng định, dù gặp nhiều khó khăn, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội luôn đồng hành, sát cánh với người lao động, góp phần giúp họ có việc làm, ổn định đời sống. Từ những kết quả hiện hữu, dự kiến, tỷ lệ thất nghiệp thành thị năm 2021 của Hà Nội duy trì ở mức dưới 4%, đạt mục tiêu HĐND thành phố đề ra”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho hay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.