(HNM) - Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục tiểu học, các sở giáo dục và đào tạo cần quan tâm triển khai các giải pháp, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất để bảo đảm chất lượng giáo dục, ưu tiên các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các khối lớp 1, 2 và 3.
Theo đó, các trường tiểu học cần cố gắng bảo đảm tỷ lệ 1 phòng học/lớp; có sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học; đủ thiết bị dạy học tối thiểu; bảo đảm tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo quy định.
Đối với trường tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trên cơ sở dạy học đúng, đủ nội dung và thời lượng các môn học bắt buộc theo quy định của chương trình, nhà trường chủ động xác định nội dung, lựa chọn hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng phù hợp cho môn học tự chọn, hoạt động củng cố và hoạt động giáo dục khác.
* Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến hết năm học 2021-2022, toàn thành phố có 578/579 xã, phường, thị trấn có trường mầm non công lập; chỉ còn phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) chưa có trường mầm non công lập.
Việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các cơ sở giáo dục mầm non của thành phố Hà Nội đã góp phần phát triển mạnh quy mô giáo dục mầm non. Toàn thành phố hiện có 1.156 trường mầm non, tăng 6 trường so với cùng thời điểm năm 2021; trong đó có 802 trường công lập, còn lại là trường ngoài công lập. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 2.737 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục; 100% số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục đều đã được cấp phép hoạt động.
Năm học 2022-2023, ngành học giáo dục mầm non của Hà Nội xác định chủ đề là “Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - hạnh phúc”, trong đó, việc bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ em được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.