(HNMO) - Sáng 6-1-2022, tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ nhất, các đại biểu Quốc hội khóa XV đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Đa số đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung 8 luật trên, song cũng bày tỏ băn khoăn về tính thống nhất, tổng thể nhằm tránh sự chồng chéo giữa các luật khi thực hiện sửa đổi theo quy trình rút gọn.
Tăng phân cấp phải tăng giám sát trong đầu tư
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận tổ là việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư. Theo tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nhằm mục tiêu tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương, Điều 3 dự thảo luật. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 32 để thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội) cơ bản nhất trí với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư. “Tuy nhiên, việc giao đất đầu tư là một tài sản lớn của Nhà nước nên việc sửa đổi lần này cần cân nhắc đến khả năng nhà đầu tư có thể chuyển đổi mục đích sử dụng bất cứ loại đất nào khi có nhu cầu để thực hiện các dự án nhà ở thương mại. Điều này có thể dẫn đến việc thất thu tài sản của Nhà nước, rồi những tác động khi chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang các dự án khác”, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu ý kiến.
Cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi góp phần tạo bình đẳng cho các nhà đầu tư có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là trong triển khai các dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu thực tế tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác khi một số dự án đất văn hóa có giá thấp nhưng khi chuyển đổi mục đích sang dự án xây nhà ở thương mại thì giá đất lại tăng lên rất cao so với thị trường. Điều này có thể gây thất thoát tài sản của Nhà nước, bởi theo quy định giá đất của các dự án văn hóa còn thấp. Vì thế, đại biểu kiến nghị cùng với tăng cường phân cấp, phân quyền thì phải tăng cường giám sát các dự án này để bảo đảm hiệu quả.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cơ bản đồng tình với nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho địa phương được quy định trong dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, đại biểu nêu thực tế một số dự án đầu tư nhóm A sử dụng vốn ODA cũng được giao cho địa phương, do đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần mở rộng theo hướng giao thẩm quyền quyết định đầu tư dự án nhóm A cho địa phương.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn thành phố Hà Nội) cơ bản nhất trí với việc ban hành luật để sửa đổi nhiều luật và mỗi kỳ của Quốc hội cần có một luật để sửa nhiều luật như hiện nay để kịp thời giải quyết các bất cập từ quá trình triển khai trong thực tiễn. Đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, bởi qua đó tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương để các dự án được thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đại biểu cũng kiến nghị cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tránh tình trạng các địa phương “đá bóng” lên Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo quá nhiều dự án, văn bản như hiện nay.
Quy định rõ sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng
Trong tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư có bổ sung số thứ tự 132a vào sau số thứ tự 132 Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: “Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng (trừ kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự)”.
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, theo thống kê của Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng) và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), qua 3 năm thi hành Luật An ninh mạng đã có hơn 150 vụ lộ lọt tài liệu bí mật trên không gian mạng, trong đó có cả tài liệu tuyệt mật, tối mật. Nguyên nhân ngoài sức kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng bởi các sản phẩm dịch vụ từ nước ngoài cung cấp.
Vì thế, đại biểu Nguyễn Minh Đức nhận định, Luật An ninh mạng hiện hành chưa quy định khái niệm về sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng nên thực tiễn đặt ra cấp thiết để xây dựng hành lang pháp lý, quy định pháp luật để quản lý nhà nước các sản phẩm này. “Xây dựng quy định pháp luật để tạo cơ sở pháp lý để xây dựng nghị định về an toàn thông tin, tạo cơ chế quản lý cho các lực lượng an ninh mạng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực thi nhiệm vụ”, đại biểu nói.
Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Đoàn tỉnh Gia Lai) băn khoăn việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong. Đại biểu cho rằng, dự thảo chưa đưa ra được khái niệm, chưa đưa ra được sản phẩm của dịch vụ an ninh mạng thì không rõ nội hàm để bổ sung điều kiện kinh doanh. “Căn cứ để đưa ngành nghề này vào danh mục chưa được vững chắc, chưa có cơ sở”, đại biểu nói.
Tại phiên thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cũng đánh giá cao tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có nêu: Với mục tiêu khuyến khích đầu tư sản xuất, kịp thời nắm bắt cơ hội để phát triển xe ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông, giảm phát thải khí nhà kính, định hướng sản xuất, tiêu dùng theo hướng phát triển công nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, Điều 9 dự thảo luật bổ sung điểm i khoản 4 Mục I Điều 7 về Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành; từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.