Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền lợi người dân

Hoàng Hà| 15/04/2021 06:04

(HNM) - Kinh phí bảo trì - còn gọi là quỹ bảo trì - nhà chung cư chính là khoản kinh phí để bảo đảm duy trì chất lượng nhà chung cư. Quỹ được xác lập từ chính tiền nộp của cư dân trong tòa nhà nên phải thuộc về quyền quản lý của ban quản trị nhà chung cư. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước cho thấy, không ít chủ đầu tư đã cố tình chiếm dụng số tiền này, không chuyển cho ban quản trị, hoặc chuyển không đủ. Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận yêu cầu 15 chủ dự án (22 chung cư) trên địa bàn Hà Nội phải chuyển trả 250 tỷ đồng kinh phí bảo trì cho các ban quản trị.

Bấy lâu nay, tranh chấp quỹ bảo trì đã là nguồn cơn gây ra nhiều hệ lụy: Công trình xuống cấp, hỏng hóc nhưng không được sửa chữa kịp thời, ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân. Thậm chí, căng thẳng giữa cư dân và chủ đầu tư còn gây nên tình hình bất ổn về an ninh, trật tự trên địa bàn. Là một trong những địa phương có số lượng nhà chung cư lớn nhất cả nước, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã rất quan tâm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị. Tuy nhiên, dù việc cưỡng chế chủ đầu tư chây ỳ đã được luật hóa, nhưng do thiếu chế tài, thiếu các giải pháp bảo đảm nên trên thực tế, việc giải quyết vẫn không hiệu quả.

Để chấm dứt các tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì, ngày 26-3-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 37 về “thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư” với nhiều quy định, hướng dẫn mới, phù hợp thực tế. Qua đó, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ và cụ thể trong việc xử lý chủ đầu tư cố tình chây ỳ hoặc chậm bàn giao kinh phí bảo trì chung cư theo đúng quy định.

Như vậy, cơ sở pháp lý để hóa giải các tranh chấp đã có, nhiệm vụ của các cấp, ngành, địa phương của thành phố Hà Nội là tổ chức thực hiện nghị định một cách nhanh chóng, nghiêm minh, hiệu quả. Trước mắt, với 15 chủ đầu tư đã được Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành kết luận phải trả quỹ bảo trì cho ban quản trị, các cơ quan, đơn vị liên quan cần phân loại để ưu tiên giải quyết sớm nhất những trường hợp đủ điều kiện thực hiện, những trường hợp nhiều vướng mắc cần tăng cường phối hợp với các bên liên quan để tìm giải pháp xử lý dứt điểm.

Nghị định mới đề cập đến trách nhiệm của tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì phải chuyển kinh phí này sang tài khoản do ban quản trị nhà chung cư lập khi UBND cấp tỉnh có quyết định cưỡng chế. Đây là một phần việc rất quan trọng, có "sức nặng" để việc cưỡng chế đạt hiệu quả. Do đó, các tổ chức tín dụng cần phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Trong đó, tập trung rà soát, thống kê toàn bộ chung cư trên địa bàn để phát hiện các chủ đầu tư còn chiếm giữ quỹ bảo trì; công khai danh sách chủ đầu tư vi phạm.

Được ví như giải pháp để gỡ các "nút thắt", Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sẽ góp phần hóa giải các tranh chấp tồn tại bấy lâu và bảo đảm quyền lợi của người dân tại các tòa nhà chung cư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền lợi người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.