(HNMO) - Sáng 29-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, các đại biểu quan tâm về một số điểm mới của dự thảo luật như: Các quy định về các nguyên tắc giao kết hợp đồng bảo hiểm, bảo hiểm tạm thời, người thụ hưởng cũng như phòng, chống gian lận bảo hiểm và giải quyết tranh chấp… Trong đó, đặc biệt chú trọng đến bảo đảm quyền và nghĩa vụ của khách hàng khi tham gia bảo hiểm.
Bảo mật thông tin cá nhân khách hàng
Tại phiên thảo luận, hầu hết đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế.
Về hợp đồng bảo hiểm, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) đề nghị bổ sung các điều khoản liên quan đến trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, các hậu quả pháp lý cũng như quy định về mức phí tham gia.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào dự thảo luật trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm bảo đảm sự quản lý thông suốt từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, cần đánh giá lại rõ ràng hơn về tình hình quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm thời gian qua, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trình Quốc hội vào kỳ họp sau”, đại biểu Trần Văn Tuấn kiến nghị.
Nhiều ý kiến thảo luận tán thành với các quy định về hợp đồng bảo hiểm và cho rằng đây là chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần rà soát và làm rõ các quy định liên quan đến hình thức hợp đồng bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, đơn phương chấm dứt hợp đồng... để vừa bảo đảm nhất quán giữa các quy định của pháp luật, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) quan tâm đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu kinh doanh bảo hiểm cần bảo đảm quyền bất khả xâm phạm bí mật cá nhân cũng như gia đình theo quy định của pháp luật. Vì vậy, trong hợp đồng cần có điều khoản quy định rõ giữa người mua bảo hiểm và cơ quan bán bảo hiểm về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, tránh việc cung cấp cho bên thứ 3, tránh những tranh chấp không đáng có xảy ra.
Doanh nghiệp không mặn mà với bảo hiểm vi mô
Liên quan đến bảo hiểm vi mô, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) cho biết, loại bảo hiểm này giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo. Các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế cung cấp cho người nghèo, người thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu nhằm đáp ứng nhu cầu tiết kiệm và bảo vệ trước những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống.
“Tuy nhiên, việc triển khai tại Việt Nam chưa thật sự phát triển do bộ phận chủ yếu hướng đến của sản phẩm bảo hiểm vi mô thường ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận. Trong khi đó, chi phí triển khai thường lớn hơn các sản phẩm bảo hiểm thông thường nhưng rủi ro nhiều hơn nên đa số doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chưa muốn cung cấp bảo hiểm vi mô và thực tế vẫn còn khoảng trống về chính sách pháp luật đối với loại hình bảo hiểm này”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu ý kiến.
Đặt vấn đề bảo hiểm vi mô rất cần thiết, đặc biệt là đối với các nhóm yếu thế, mang lại lợi ích rất lớn cho toàn xã hội, nhưng theo đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh), hiện vẫn chưa có luật nào quy định về vấn đề này. Việc thiếu hành lang pháp lý về bảo hiểm vi mô khiến cho loại hình bảo hiểm này dù có 10 năm thí điểm nhưng mới có khoảng 200.000 hợp đồng.
Còn đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa) tham gia ý kiến về hành vi nghiêm cấm tại điều 10 dự thảo Luật. Cụ thể, có 5 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc không có giấy phép thành lập và hoạt động không đúng với nội dung được cấp phép, thực hiện các hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm…
“Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cho phép nhân viên thực hiện quảng bá, giới thiệu bảo hiểm dưới nhiều hình thức sử dụng công nghệ thông tin, tin nhắn điện thoại liên tục gây bức xúc cho người nhận tin nhắn. Vì vậy, đề nghị có thể bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong hành vi kinh doanh bảo hiểm là làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức”, đại biểu Võ Mạnh Sơn kiến nghị.
Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện các nội dung, quy định cũng như các hành vi trong hợp đồng bảo hiểm để phù hợp với pháp luật và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Trong đó, có những quy định liên quan đến bảo hiểm vi mô để khuyến khích doanh nghiệp cũng như người dân, đặc biệt là các hộ nghèo tham gia.
“Về quy định đối với đại lý bảo hiểm, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện và nâng cao tính chuyên nghiệp, tránh lợi dụng để ép buộc khách hàng tham gia bảo hiểm. Về việc cung cấp thông tin, do lo ngại tiết lộ bí mật cá nhân, cơ quan soạn thảo cũng tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có việc mã hóa thông tin cá nhân. Hiện nay, cơ quan soạn thảo cũng chỉ đưa ra 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc gồm: Xe cơ giới, cháy nổ và xây dựng, còn các loại hình bảo hiểm khác là tự nguyện”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận đã thu hút 31 đại biểu phát biểu thảo luận và tranh luận. Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm cùng với những hạn chế, bất cập cần bổ sung cho đầy đủ để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người tham gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ những ý kiến để hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.