Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền lợi cho người xuất khẩu lao động

Minh Ngọc| 10/03/2019 07:36

(HNM) - Trong những năm gần đây, xuất khẩu lao động trở thành xu hướng làm giàu được nhiều người chọn lựa. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, hoạt động này còn tồn tại một số bất cập, trong đó nổi cộm là hiện tượng lợi dụng lòng tin của người lao động để trục lợi; lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài…


Tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tiêu cực

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2018, cả nước đưa gần 143.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt 27% kế hoạch. Năm 2019, nhiều nước vẫn ưu tiên tuyển dụng lao động Việt Nam. Hoạt động xuất khẩu lao động diễn ra sôi động mang đến cơ hội việc làm, thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nhiều địa phương, song cũng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tiêu cực, vi phạm.

Một lớp đào tạo lao động đi làm việc tại thị trường Nhật Bản.


Mặc dù đã quyết liệt chấn chỉnh, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện một số tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng lòng tin của người lao động để trục lợi. Gần đây nhất, vào cuối tháng 2 vừa qua, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Triển Việt, số 165 Thái Hà (quận Đống Đa); xử phạt 120 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Kết nối nhân lực Việt, ô 19-20, lô C2, Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) do không công khai, cung cấp đầy đủ thông tin cho người lao động...

Đáng chú ý, đầu tháng 1-2019, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt 10 năm tù đối với Đinh Thị Hồng Linh, sinh năm 1988 ở huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản núp dưới danh nghĩa môi giới, tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Vì nhiều lý do, sau khi hết thời hạn hợp đồng, một số lao động Việt Nam ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại một số nước. Riêng năm 2018, cả nước có 107 quận, huyện, thị xã, thành phố của 12 tỉnh, thành phố bị xem xét tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, trong đó có 49 địa phương phải dừng ngay.

Còn Đài Loan (Trung Quốc) đưa ra cảnh báo, từ ngày 1-7-2019 trở đi, lao động cư trú bất hợp pháp tại Đài Loan sẽ bị giam giữ, chịu mức xử phạt vi phạm hành chính lên đến 10.000 Đài tệ và có thể bị cấm nhập cảnh vào thị trường này trong thời gian 8 năm.

Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đánh giá, do một bộ phận người lao động còn thiếu thông tin về công việc, thị trường lao động ngoài nước, thiếu kinh nghiệm phòng tránh rủi ro trong quá trình tham gia tuyển dụng nên dễ bị lợi dụng. Một số doanh nghiệp, cá nhân cố tình “lách luật” để thu lợi nhuận, khiến thị trường lộn xộn, người lao động hoang mang. Do đó, muốn thị trường lao động xuất khẩu phát triển theo hướng chất lượng và bền vững, các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Điều phối viên quốc gia Chương trình di cư của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, những vấn đề nổi cộm trong hoạt động xuất khẩu lao động sẽ được giải quyết, nếu người lao động có đầy đủ thông tin và hành lang pháp lý về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không còn “kẽ hở”.

Trên thực tế, giải pháp kết nối người lao động với thị trường lao động ngoài nước và ngược lại thông qua các phiên giao dịch việc làm thường xuyên, chuyên đề mang lại hiệu quả tích cực.

“Để người lao động có được công việc phù hợp với năng lực, sở trường, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, trao đổi giữa người lao động với doanh nghiệp; đồng thời, mở các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành riêng cho lao động xuất khẩu. Phiên giao dịch gần đây nhất thu hút 72 doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản tham gia tuyển dụng hơn 1.100 lao động vào nhiều vị trí”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết.

Cùng với đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô đã tích cực phổ biến thông tin tuyển sinh, tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài qua nhiều kênh khác nhau… Anh Khuất Quang Tiến (xin giữ kín thông tin cá nhân), thí sinh của Hà Nội, người có tên đầu tiên trong danh sách thi tiếng Hàn để tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc làm việc trong ngành Nông nghiệp năm 2019 bày tỏ: “Việc tìm hiểu kỹ thông tin giúp tôi tránh được những chi phí trung gian, lại biết rõ bản thân phù hợp với thị trường nào. Yêu thích công việc trồng trọt, cho nên tôi đăng ký dự tuyển vào ngành Nông nghiệp”.

Để bảo đảm quyền lợi cho người xuất khẩu lao động, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đã yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin cần thiết cho người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xuất khẩu.

Để có hành lang pháp lý đủ mạnh, các bên liên quan đang nghiên cứu sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, dự kiến trình Quốc hội xem xét vào năm 2020. Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thay thế cho các quy định trước đây cũng đang trong quá trình hoàn thiện…

Trong những năm tới, xuất khẩu lao động vẫn là giải pháp hữu hiệu để giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Hy vọng các cơ quan chức năng và người lao động nghiêm túc khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, góp phần tạo dựng uy tín của thị trường lao động Việt Nam trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền lợi cho người xuất khẩu lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.