(HNM) - Sau ý kiến trao đổi của Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức Nguyễn Tiến Quyết về việc chấm thầu thuốc tại buổi mở thầu công khai tổ chức ngày 3-9, hôm qua 4-9, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược,
Giá thuốc giảm nhờ có đấu thầu công khai giá mua thuốc. Ảnh: Linh Ngọc |
- Đang có ý kiến khác nhau về hiệu quả của quy định mới về đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế đối với việc quản lý giá thuốc cũng như bảo đảm chất lượng điều trị. Ý kiến của ông như thế nào?
- Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19-1-2012 hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế. Tiếp đó, Bộ đã ban hành Thông tư số 11/2012/TT-BYT ngày 28-6-2012 hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc. Các quy định mới bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công bằng, minh bạch và hiệu quả.
Đến nay, các BV và sở y tế trên toàn quốc đang triển khai áp dụng quy định mới. Kết quả đánh giá quá trình tổ chức thực hiện việc mua sắm thuốc năm 2013 của các BV và kết quả đấu thầu cho thấy sự ưu việt của quy định mới. Thứ nhất là tiết kiệm chi phí và thời gian cho các bên. Thứ hai là bảo đảm cạnh tranh công bằng và minh bạch trong công tác đấu thầu nhờ có quy định rõ ràng về tiêu chí phân nhóm thuốc, căn cứ vào các tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà máy sản xuất (tiêu chuẩn GMP) và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, cũng như các hướng dẫn cụ thể về hồ sơ mời thầu mua thuốc để các cơ sở y tế áp dụng thống nhất, chấm điểm rõ ràng, công khai, minh bạch để lựa chọn sản phẩm chất lượng, chi phí hợp lý nhất. Thứ ba, quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế của các gói thầu đã được cải thiện một cách rõ ràng với việc tiết kiệm được khoảng 30% kinh phí tiền mua thuốc của các BV và đưa giá thuốc trúng thầu giữa các BV về sát mặt bằng chung theo giá trúng thầu thấp nhất.
- Giảm giá thuốc đưa vào BV là mục tiêu quan trọng, góp phần giảm gánh nặng cho người bệnh. Ông có thể cho biết rõ hơn về kết quả này?
- Qua báo cáo nhanh, kết quả đấu thầu của Sở Y tế Quảng Ngãi giảm/tiết kiệm được khoảng 28 tỷ đồng (~24%) so với trước; Sở Y tế Quảng Ninh giảm khoảng 40 tỷ (~20%); Sở Y tế Hậu Giang giảm khoảng 57 tỷ (~ 31%)… Phân tích kết quả trúng thầu của 7 sở y tế đã thực hiện đấu thầu theo quy định mới, có thể thấy trị giá mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng có tỷ trọng sử dụng cao trong đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế (chiếm khoảng 30% trị giá thuốc trúng thầu tại các BV) so với việc mua sắm các mặt hàng này năm 2012 thì đã tiết kiệm được 115,49 tỷ đồng, tương đương với 28% tổng trị giá trúng thầu của các mặt hàng này. So sánh với giá của các mặt hàng thuốc cụ thể cùng nhà sản xuất, cùng tên thương mại trúng thầu năm 2012 (theo quy định cũ) tại các BV, hầu hết các mặt hàng năm 2013 (theo quy định mới) đều có giá giảm, nhiều loại có giá giảm mạnh.
- Tiết kiệm chi phí là quan trọng, nhưng điều đó có ảnh hưởng tới yêu cầu bảo đảm chất lượng thuốc, thưa ông?
- Quy định mới hoàn toàn tuân thủ Luật Đấu thầu và quy định pháp luật liên quan. Giá thuốc dự thầu là tiêu chí cuối cùng để lựa chọn mặt hàng trúng thầu. Theo quy trình, trước khi chuyển sang công đoạn đánh giá về giá, phải qua công đoạn đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng thuốc đạt yêu cầu, cuối cùng là chọn mặt hàng trúng thầu theo quy định là mặt hàng có giá thấp nhất.
Tất cả thuốc lưu hành tại thị trường Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành. Để được cấp số đăng ký lưu hành, hồ sơ đăng ký sản phẩm phải được thẩm định đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng thuốc, các dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả của thuốc. Vì vậy, chất lượng thuốc là hoàn toàn đạt yêu cầu. Thuốc nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, để được cấp số đăng ký lưu hành (hoặc giấy phép nhập khẩu) thì yêu cầu tiên quyết về pháp lý là thuốc phải được cấp phép lưu hành tại nước sản xuất. Đồng thời, theo quy định chung về đăng ký lưu hành thuốc của tất cả các nước trên thế giới, để được cấp phép lưu hành tại nước sở tại thì sản phẩm đã được thẩm định, đánh giá đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng, dữ liệu an toàn, hiệu quả của thuốc.
Hơn nữa, nhà máy sản xuất thuốc phải đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO-GMP) hoặc của EU, PIC/s. Theo nguyên tắc GMP, tất cả mặt hàng thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường đều phải được nhà sản xuất kiểm tra chất lượng, bảo đảm đạt yêu cầu.
Ngoài ra, thuốc sau khi được cấp số đăng ký lưu hành, hệ thống kiểm nghiệm còn thực hiện công tác hậu kiểm về kiểm tra chất lượng thuốc, các trường hợp không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo hồ sơ đăng ký lưu hành sẽ bị xử lý theo quy định (thu hồi, rút số đăng ký lưu hành).
- Xin cảm ơn ông!
(HNM) - Ngày 3-9, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ký văn bản gửi Bệnh viện Việt Đức, thông báo kết quả kiểm tra việc thực hiện quy định về quản lý giá thuốc tại nhà thuốc trong BV. Công văn khẳng định: Tại thời điểm kiểm tra, nhà thuốc BV Việt Đức cơ bản thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc niêm yết giá thuốc. Kiểm tra xác suất 74 loại thuốc trong tổng số 400 mặt hàng thuốc đang bán tại đây, có 25 loại thuốc mua với giá cao hơn giá bán buôn kê khai đang có hiệu lực và 1 loại thuốc chưa có giá kê khai. Cục yêu cầu nhà thuốc BV thực hiện việc mua thuốc có trong danh mục nêu trên với giá không cao hơn giá đã kê khai, kê khai lại hiện đang có hiệu lực. Đức Trung |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.