(HNMO) - Sáng 13-12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ mười tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.
Giữ quy định chỉ định luật sư cho người chưa thành niên
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, sau hơn 8 năm thi hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 09), bên cạnh những kết quả đạt được trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, Pháp lệnh số 09 không còn phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thiếu đồng bộ với Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nên cần phải được nghiên cứu, sửa đổi.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong việc Tòa án nhân dân xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành, nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống vi phạm pháp luật, đồng thời bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người vi phạm, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp.
Sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, công bằng, đúng quy định của pháp luật để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội và bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các em.
Dự thảo Pháp lệnh gồm 5 chương, 44 điều; quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Đáng chú ý, về quy định chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên, dự thảo Pháp lệnh quy định, trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tòa án bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.
Người chưa thành niên cần được quan tâm, ưu tiên bảo vệ
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết Ủy ban cơ bản tán thành với Tòa án nhân dân Tối cao và cho rằng, người chưa thành niên thuộc đối tượng yếu thế cần được pháp luật quan tâm, ưu tiên bảo vệ tại tòa án. Việc chỉ định luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã được Pháp lệnh hiện hành quy định và thi hành ổn định 8 năm qua không có vướng mắc.
Thảo luận tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng việc sửa đổi Pháp lệnh cần đồng bộ với các văn bản pháp luật khác, cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng về nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân. Do đó, về phạm vi sửa đổi, cần sửa đổi toàn diện Pháp lệnh hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình triển khai, thi hành.
Tán thành quy định chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, để bảo đảm quyền của người chưa thành niên bình đẳng, Pháp lệnh này cần tiếp tục kế thừa Pháp lệnh số 09, ngoài việc bổ sung quy định chỉ định người thực hiện trợ giúp pháp lý, việc giữ nguyên quy định chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên là phù hợp, đúng với nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.
Phát biểu ý kiến thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu một số nội dung, gồm sự cần thiết của quy định số lần hoãn phiên tòa trong một số trường hợp; bổ sung thủ tục trong phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính và phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của tòa án; hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp cần bảo đảm chặt chẽ để tổ chức thực hiện...
Sau khi Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình tiếp thu các ý kiến tại phiên họp.
Với 100% thành viên có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.