Sáng 21-11, tại Phủ Chủ tịch, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” họp phiên thứ ba.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau phiên họp thứ hai (ngày 15-7-2022), Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo kế hoạch. Theo đó, Ban Chỉ đạo đã tổ chức thành công hai cuộc Hội thảo khoa học “Lý luận và thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” quy mô lớn; thành lập 4 đoàn khảo sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 tại các địa phương để đánh giá kết quả cũng như các vấn đề đặt ra, nhằm bảo đảm đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết đầy đủ cả về lý luận và thực tiễn. Ban Chỉ đạo cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng 18 chuyên đề về thực hiện Nghị quyết Trung ương 8.
Sau khi các thành viên Ban Chỉ đạo phát biểu ý kiến, Chủ tịch nước nhấn mạnh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới phải bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ gìn hòa bình để phát triển đất nước; đồng thời đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan chức năng tiếp tục đóng góp xây dựng đề cương chi tiết, dự thảo nghị quyết với tinh thần trách nhiệm cao.
Theo Chủ tịch nước, Đề cương chi tiết báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 phải nêu được các kết quả quan trọng mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đạt được, phát huy được truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp, toàn diện trong thực hiện nhiều nhiệm vụ, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần quan trọng phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Đồng thời, đề cương chi tiết cũng cần nêu các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong thực hiện nghị quyết; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Về định hướng xây dựng dự thảo nghị quyết, theo Chủ tịch nước, phải bảo đảm kế thừa tối đa nội dung còn nguyên giá trị của Nghị quyết Trung ương 8; những thành tựu, kinh nghiệm thực tiễn hơn 30 năm đổi mới; bổ sung nội dung mới phù hợp với thực tiễn hiện nay. Cùng với đó phải dự báo được tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường; các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; sự phát triển của khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết cũng phải nêu được quan điểm, mục tiêu, phương châm chỉ đạo; các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nghị quyết trong giai đoạn mới.
Chủ tịch nước yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo có sự phân công, đôn đốc các cơ quan liên quan tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), nhất là các cơ quan trọng yếu và các địa phương. Tổ Biên tập tiếp thu các ý kiến, khẩn trương trình các dự thảo sản phẩm để tiếp tục lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, từ đó sớm hoàn thiện các sản phẩm theo yêu cầu nhiệm vụ được giao…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.