Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm hậu cần trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Tiến sĩ Lê Quý Thi| 30/04/2020 07:42

(HNM) - Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, công tác bảo đảm hậu cần đóng một vai trò rất quan trọng. Lần đầu tiên trong lịch sử, quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công. Kết quả của công tác bảo đảm hậu cần trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là quá trình chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng, phục vụ chiến đấu của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Trạm dừng chân tiếp xăng và hậu cần của Sư đoàn ô tô vận tải 471, Bộ đội Trường Sơn trong Chiến dịch chi viện chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu

1. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng cùng với chiến thắng trên khắp các chiến trường miền Nam đã đẩy quân ngụy Sài Gòn vào tình thế tuyệt vọng, tinh thần suy sụp không thể tránh khỏi. Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị nhận định thời cơ chiến lược tiến hành tổng tiến công và nổi dậy vào sào huyệt cuối cùng của địch đã tới nên hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn.

Trung ương Đảng và Chính phủ đã huy động đến mức rất cao mọi khả năng lực lượng, vật chất của cả nước, của toàn quân, phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam. Trước đó, Hội đồng chi viện chiến trường được gấp rút thành lập, ngày 25-3-1975, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Tất cả dành ưu tiên số 1 cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Theo điều động của Bộ Tổng tư lệnh, các quân đoàn và nhiều sư đoàn chủ lực từ nhiều hướng nhanh chóng cơ động vào địa bàn chiến dịch cùng với nhiều binh khí kỹ thuật dự bị chiến lược.

Từ hậu phương lớn miền Bắc, mọi lực lượng, phương tiện vận tải đều được huy động vào việc chuyển quân, chuyển vật chất, phương tiện vào miền Nam. Từ Hà Nội, các đoàn tàu chở bộ đội, vũ khí, thiết bị quân sự chạy thẳng vào Vinh, từ đó chuyển tiếp bằng ô tô vào Nam. Từ các cảng: Hải Phòng, Bến Thủy, các tàu vận tải ven biển của Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần), Bộ Tư lệnh Hải quân, Công ty Vận tải đường biển (Bộ Giao thông) chở xe tăng, thiết giáp, pháo, đạn chuyển tiếp vào Nam, kịp thời bảo đảm cho bộ đội ta tiến công phòng tuyến ven biển Nam Trung Bộ của địch, trên đường tiến quân vào mặt trận Sài Gòn.    

Việc cơ động thần tốc các quân đoàn chủ lực và nhiều đơn vị binh khí kỹ thuật vào khu vực tập kết quanh Sài Gòn do hậu cần chiến lược bảo đảm. Một bộ phận lớn các lực lượng dự bị chiến lược đã được huy động vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, với 47 đơn vị binh khí kỹ thuật, gồm: 14.771 người, 156 xe tăng, 102 xe xích, 143 pháo mặt đất, 47 dàn phóng tên lửa, 250 pháo cao xạ, 226 xe cầu thuyền, 722 xe khí tài và nhiều xe đặc chủng khác được cơ động thần tốc vào chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Theo kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu, hậu cần chiến lược đã tổ chức cơ động các lực lượng xe tăng, xe xích, pháo có xe kéo từ hậu phương, vào đến Đông Hà bằng xe lửa; tiếp đó tổ chức hành quân trên trục đường Đông Trường Sơn (có hệ thống đường ống và các trạm cấp phát nhiên liệu đặc chủng). Kết quả đã bảo đảm cho các đơn vị binh khí cơ sở vật chất kỹ thuật trong hành quân nhanh chóng, an toàn, đến vị trí tập kết trong ngày 24-4-1975 với tỷ lệ đến đích đạt trên 90%.

2. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch đặt tên Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Từ đó, việc gấp rút điều chỉnh thế bố trí các đoàn hậu cần quanh Sài Gòn cho phù hợp với đội hình chiến dịch nhanh chóng được triển khai. Các Quân đoàn chủ lực 1, 2, 3 chuẩn bị chiến đấu trên các hướng cũng đã triển khai các căn cứ hậu cần trên từng địa bàn để tổ chức chuẩn bị bộ phận hậu cần cơ động, sẵn sàng di chuyển bám sát đội hình các đơn vị khi phát triển chiến đấu.

Thời gian chuẩn bị trực tiếp cho chiến dịch rất ngắn, từ ngày 5 đến 25-4-1975; trong khi nhu cầu lại rất lớn, tới 60.000 tấn (trong đó 30.000 tấn đạn, 8.000 tấn xăng dầu, 22.000 tấn lương thực, thực phẩm); khối lượng cần có ở các căn cứ hậu cần là 30.000 tấn (trong đó 14.000 tấn đạn, 4.000 tấn xăng dầu, 12.000 tấn lương thực, thực phẩm) đủ bảo đảm cho các hướng tiến công đồng loạt, cơ động thọc sâu, tác chiến trong khoảng 5-7 ngày. Khi bước vào chuẩn bị chiến dịch, Quân giải phóng miền Nam còn dự trữ tại chỗ trên 40.000 tấn vật chất (trong đó 15.000 tấn đạn, 2.000 tấn xăng dầu). Số lượng vật chất còn thiếu chủ yếu là các loại đạn pháo lớn và xăng dầu. Trước tình hình trên, lực lượng hậu cần chiến lược tiếp tục khẩn trương vận chuyển lượng còn thiếu vào chiến trường, tỏa lên các căn cứ phía trước. Đến ngày 30-3-1975, tổng số dự trữ đạt 60.500 tấn (trong đó có 30.000 tấn đạn, 18.000 tấn xăng dầu).

Về bảo đảm quân y, lực lượng hậu cần đã triển khai 15 bệnh viện dã chiến ở tuyến trước và chuẩn bị 17 đội điều trị cơ động, có khả năng cứu chữa từ 8.000 đến 10.000 thương binh. Về bảo đảm kỹ thuật, đã triển khai 10 trạm sửa chữa ở các căn cứ hậu cần phía trước, cùng các trạm sửa chữa quân đoàn và đơn vị, tiến hành sửa chữa gấp súng, pháo, xe máy sau hành quân, bảo đảm hệ số kỹ thuật cao khi bước vào chiến dịch.

Sáng 29-4-1975, các hướng quân đồng loạt tiến công vào Sài Gòn theo 5 hướng. Sau một ngày tổng công kích đã tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các sư đoàn chủ lực và lực lượng phòng thủ khác của địch ở vòng ngoài. Các lực lượng đột kích thọc sâu đã tiến vào vùng ven, cách trung tâm Sài Gòn từ 10 đến 20km. Để tổ chức bảo đảm cho các binh đoàn đột kích thọc sâu vào nội thành Sài Gòn, ngày 30-4-1975, lực lượng hậu cần đã tăng cường ô tô vận tải cho các sư đoàn tổ chức lực lượng hậu cần cơ động (gồm trạm phẫu thuật, kho đạn, kho xăng đặt trên xe), đi trong đội hình tiến công của đơn vị, để bảo đảm kịp thời cho cơ động và chiến đấu.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi hoàn toàn, trong đó bộ đội hậu cần đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Bảo đảm cho một chiến dịch tiến công hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm hậu cần trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.