Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm điều kiện phát triển hài hòa

Hà Phong| 24/11/2015 06:27

(HNM) - Ngày 23-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Việc Chính phủ đề xuất tăng tuổi trẻ em, từ 16 lên thành dưới 18 đã được nhiều ĐBQH đề cập về tính khả thi, tương thích với các quy định hiện hành.

Bảo đảm các quyền của trẻ em là một trong những điểm sáng của Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Ảnh: Bá Hoạt


Phải sửa nhiều luật

Theo giải trình của Chính phủ, trước đây, do đất nước còn nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, quy định độ tuổi trẻ em dưới 16 tuổi để bảo đảm tính khả thi về nguồn lực thực thi các chính sách về trẻ em; nay nâng lên đến dưới 18 tuổi sẽ phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và hội nhập quốc tế. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh, người từ 16 đến dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ về sức khỏe và nhận thức, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn, chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần, đặc biệt về nhận thức xã hội, cần phải được quan tâm đặc biệt từ phía Nhà nước, xã hội, cộng đồng và gia đình để phát triển lành mạnh, không bị bỏ rơi. Song, tăng độ tuổi trẻ em không có nghĩa là tất cả trẻ em phải được đối xử như nhau. Chính sách vẫn được chia theo các nhóm tuổi khác nhau. Điển hình như Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự từ tuổi 14, nhưng được hưởng sự bảo vệ đặc biệt cho trẻ em trong quá trình tố tụng cho đến khi 18 tuổi.

Dù vậy, một số ý kiến cho rằng thuyết minh về việc tăng độ tuổi trong tờ trình của Chính phủ là chưa thực sự thuyết phục, chưa nêu rõ nguồn lực thực hiện. Việc điều chỉnh độ tuổi đến dưới 18 cũng không thống nhất với các quy định tại Bộ luật Lao động, Luật Thanh niên, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự, Bộ luật Hình sự... ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) phân tích, Việt Nam đã có các quy định quyền của nhóm tuổi từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi được ưu tiên hơn người thành niên, như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động… Đặc biệt, Luật Thanh niên có một chương riêng quy định trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, bồi dưỡng thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Nếu tuổi trẻ em tăng lên 18 tuổi thì số trẻ em sẽ tăng từ dưới 27 triệu lên 30 triệu. Với số lượng cán bộ trực tiếp làm công tác trẻ em chưa đầy 2.500 người như hiện nay khó có thể đáp ứng được yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Việc tăng số lượng trẻ em sẽ làm giảm nguồn lực dành riêng cho từng trẻ, dẫn đến công tác trẻ em sẽ càng hạn chế hơn nữa. ĐB Trịnh Thị Ngọc Phương (Đoàn Bắc Kạn) nêu ý kiến: "Sửa luật này cần lưu ý việc mâu thuẫn với các luật khác và tình hình thực tế, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, tình trạng kết hôn sớm diễn ra khá phổ biến. Nếu áp dụng, sẽ có không ít trường hợp sinh con khi mẹ vẫn ở tuổi trẻ em".

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), song ĐB Nguyễn Đắc Vinh (Đoàn Đắk Nông), Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn cũng cho rằng nên nghiên cứu thận trọng vấn đề trên để có những đề xuất thích hợp. Nếu dưới 18 tuổi gọi là trẻ em thì Luật Thanh niên sẽ phải sửa: Thanh niên Việt Nam là người từ 18-30 tuổi. Tổ chức Đoàn cũng phải sửa lại Điều lệ.

Quyền và bổn phận

Nhìn từ việc luật quy định quá nhiều quyền nhưng lại chưa quy định về bổn phận, trách nhiệm của trẻ em, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định); Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nhận định, đây cũng là một kẽ hở. ĐB Nguyễn Văn Cảnh phân tích, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm bạo lực học đường, sự xuống cấp đạo đức của trẻ chưa thành niên gia tăng, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, song song với việc hoàn thiện các chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ, cần bồi dưỡng, giáo dục trẻ vị thành niên có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, chứ không hẳn nâng độ tuổi trẻ em lên 18 thì các em sẽ tốt hơn. Nói một cách mạnh mẽ hơn, ĐB Tô Văn Tám nhấn mạnh, quyền và bổn phận phải đi liền với nhau và bảo đảm việc thực hiện nhằm tạo ra vòng cương tỏa sự lạm dụng trong quá trình triển khai. Cần thêm các bổn phận đối với trẻ em như: Tự nâng cao sức khỏe, tự học, tự thực hiện nghĩa vụ trong nhà trường và xã hội...

Đối với quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, ĐB Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) nêu quan điểm: Qua nghiên cứu và thực tiễn xã hội hiện nay, thời gian qua có nhiều trường hợp trẻ em khi mới sinh ra đã bị chính bố mẹ bạo hành, vứt bỏ... Những hành vi đó cần bị trừng trị thật nghiêm minh. Dự thảo luật đã quy định 16 hành vi bị nghiêm cấm nhưng còn thiếu một số hành vi, như: Bỏ mặc trẻ em, bạo lực trẻ em, bóc lột trẻ em.

Nhận định trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước, ĐB Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) yêu cầu các chính sách hiện nay không chỉ quan tâm đến việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mà phải quan tâm đến nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em. "Trẻ em ở miền núi sau giờ học thường vui chơi quanh chòi, rẫy; trẻ em ở đô thị phần lớn tiếp cận các thiết bị điện tử… Cần có quy định về trách nhiệm bảo đảm thiết chế văn hóa cho trẻ em; đồng thời bổ sung thêm trách nhiệm của gia đình bảo đảm sự phát triển hài hòa của trẻ em" - ĐB Huỳnh Sang nhấn mạnh.

ĐB Phạm Thị Hồng Nga (Đoàn Hà Nội): Tôi nhất trí về việc nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi. Từ 16 đến dưới 18 tuổi là độ tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, độ tuổi hết sức nhạy cảm. Nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi sẽ mở rộng được phạm vi áp dụng quyền trẻ em. Đồng thời, quy định như vậy phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông, là bậc học giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần để sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội; bảo đảm nhóm người chưa thành niên có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm đầy đủ hơn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm điều kiện phát triển hài hòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.