(HNM) - Việc lựa chọn người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND đang vào giai đoạn nước rút. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, các ngành, các cấp cần vận dụng sáng tạo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND trên tinh thần dân chủ, khách quan, bình đẳng để phối hợp tổ chức tốt cuộc bầu cử.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha |
- Theo dõi dự kiến phân bổ cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XIV, không ít ý kiến cho rằng, các quy định hiện hành về cơ cấu là cần thiết nhưng chất lượng đại biểu cần được coi trọng. Ông có cho rằng cơ cấu và chất lượng khó có sự tỷ lệ thuận?
- Hoạt động nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cho thấy, vẫn còn tình trạng ĐBQH vắng mặt nhiều tại các kỳ họp Quốc hội; đại biểu ít phát biểu, ít thảo luận, ít thể hiện chính kiến trong các phiên họp Quốc hội. Cá biệt có trường hợp bị bãi miễn vì có hành vi vi phạm pháp luật... Tôi cho rằng Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân nên việc cơ cấu là cần thiết. Nhưng một tiêu chí quan trọng không kém là chất lượng đại biểu. Đại biểu theo cơ cấu có đủ trí tuệ, hiểu biết, đủ tâm huyết để làm tốt vai trò đại diện cử tri và nhân dân trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội hay không là vấn đề cử tri đang đặc biệt quan tâm. Cử tri sẽ tìm hiểu kỹ ngay tại các hội nghị lấy ý kiến cử tri, khi người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND báo cáo về chương trình hành động của mình nếu trúng cử và trao đổi về những vấn đề cử tri quan tâm. Trên cơ sở đó, cử tri nhận xét, góp ý cho từng người ứng cử. Sau bước này, MTTQ sẽ tổ chức hội nghị hiệp thương lần ba để lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử.
- Nhưng với miền núi, nơi đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì không nhất thiết phải quá đề cao trình độ của người ứng cử ĐBQH mà quan trọng là họ phải am hiểu phong tục tập quán, con người nơi họ ứng cử, thưa ông?
- Việc xây dựng cơ cấu thành phần hiện nay trong Quốc hội chính là để bảo đảm cho mọi nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần xã hội khác nhau. Theo tôi, ĐBQH không nhất thiết phải là những người có trình độ chuyên môn hay bằng cấp cao. Điều cần thiết là những tiêu chuẩn và phẩm chất để hình thành nên năng lực của một ĐBQH đáp ứng đúng kỳ vọng của nhân dân chứ không phải là trình độ được xác nhận ở bằng cấp. Ví như muốn làm ĐBQH thì phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội. Các ĐBQH khi chất vấn thì không phải hỏi cho cá nhân họ mà họ đang thay mặt nhân dân, đặc biệt là bà con nơi họ ứng cử để chất vấn. Ý thức đó phải là thường trực, để từ đó phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan về những vấn đề thời sự, dân sinh bức xúc.
- Có ý kiến cho rằng, với cơ cấu hiện nay, số lượng ĐBQH khối hành pháp (18 người) là vẫn nhiều, nên giảm nữa vì những người này rất khó bố trí thời gian để thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH, thưa ông?
- Trong tình hình hiện nay, việc dự kiến khối Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ có 18 đại biểu tôi cho rằng là hợp lý trên tổng số các thành viên trong thường trực Chính phủ và các bộ, ngành. Hoạt động của Quốc hội nước ta chưa phải là chuyên trách 100%. Quá trình làm luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, rất cần những đại biểu thuộc các cơ quan hành pháp nhằm giúp Quốc hội có đủ thông tin để xây dựng luật và quyết định những vấn đề quan trọng, sát thực tiễn. Việc giảm các đại biểu khối hành pháp được thực hiện ở địa phương. So với khóa XIII, số chủ tịch UBND, giám đốc các sở đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến phân bổ ít hơn nhiều nhằm tránh tối đa việc các đại biểu này bỏ công việc của địa phương cả tháng trời để họp Quốc hội.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.