(HNM) - Vào một số thời điểm, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Mùa lễ hội xuân 2019 còn kéo dài, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tiếp tục kiên quyết trong công tác kiểm tra, xử lý...
Mùa lễ hội năm 2019, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) tăng cường 100% quân số, tuần tra, kiểm soát các tuyến giao thông. Trong ảnh: Trung tâm Điều khiển giao thông Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại
Đánh giá về kết quả thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vừa qua, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trong 9 ngày nghỉ Tết (từ ngày 2 đến 10-2), tai nạn giao thông đã giảm ở cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết, bị thương so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, trong những ngày đầu của kỳ nghỉ (giai đoạn người dân từ các thành phố lớn về quê nghỉ Tết) đã không xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, trong những ngày Tết, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... về cơ bản không xảy ra ùn tắc kéo dài, chỉ có hiện tượng ùn ứ tại một số tuyến phố qua các khu vực bắn pháo hoa và một số điểm tham quan... Lực lượng chức năng đã ứng trực kịp thời và sớm đưa giao thông thông suốt trở lại.
Đối với việc vận tải hành khách phục vụ Tết, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định, năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tình hình an ninh trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không và trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, ông Khuất Việt Hùng cũng thẳng thắn chỉ rõ, trong những ngày từ mùng 2 đến mùng 4 Tết, tình hình trật tự an toàn giao thông đã diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tăng cao trên địa bàn ngoài đô thị (trên các quốc lộ, đường tỉnh và khu vực nông thôn), chủ yếu liên quan đến mô tô, xe máy. Tình trạng đi xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện còn nhiều. Hiện tượng xe đón, trả khách dọc đường, không đúng nơi quy định diễn ra khá phổ biến trên hầu hết các tuyến giao thông có mật độ phương tiện cao, đặc biệt là trên quốc lộ 1. Cá biệt vẫn còn tâm lý nể nang trong ngày Tết khi xử lý những hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện...
Kiên quyết xử lý vi phạm
Do làm tốt công tác điều hành, Bến xe Yên Nghĩa không bị ùn ứ hành khách trong dịp cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán. Ảnh: Bá Hoạt |
Mùa lễ hội xuân 2019 còn kéo dài đang đặt ra cho các ngành chức năng những nhiệm vụ nặng nề nhằm kiểm soát tốt tình hình trật tự an toàn giao thông, qua đó giúp người dân tham gia giao thông an toàn, tiện lợi. Trước tình hình đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành và địa phương lập kế hoạch cụ thể và huy động tối đa phương tiện vận chuyển hành khách bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân…
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng huy động lực lượng, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; trong đó tập trung xử lý lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích và vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện... Việc kiểm tra, xử lý phải kiên quyết, không nể nang, né tránh.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã khẩn trương yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các Sở Giao thông - Vận tải tăng cường quản lý hoạt động của phương tiện về tốc độ, hành trình, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các cảng vụ triển khai các biện pháp an toàn, trong đó chú trọng kiểm tra các phương tiện chở khách, đặc biệt là phương tiện chở khách từ bờ ra đảo, bến tàu phục vụ du lịch, lễ hội; đình chỉ hoạt động của các bến đò ngang trái phép, các phương tiện chở khách không bảo đảm an toàn, vi phạm về đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, chở quá số người quy định...
Với quyết tâm gìn giữ trật tự an toàn giao thông, đặc biệt trong mùa lễ hội 2019, giúp người dân đi lại vui xuân thuận tiện, an toàn, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) đã tăng cường 100% quân số, phối hợp với lực lượng công an các quận, huyện, thị xã tập trung điều hành giao thông và tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn và 391 nút giao thông trọng điểm. Lực lượng công an cũng sẽ đẩy mạnh xử phạt nguội qua hệ thống camera; tiến hành các đợt kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện...
Đề cập tới hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh tại Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Hà cho biết, thành phố không cho phép doanh nghiệp vận tải của thành phố tăng giá cước. Các phương tiện tăng giá thời gian qua đều là xe đối lưu, do địa phương khác quản lý, song mức tăng cũng được Sở kiểm soát hợp lý, bảo đảm ưu tiên lợi ích của người dân.
Ngay từ ngày 9-2 (mùng 5 tháng Giêng), Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP Hà Nội đã ra quân bảo đảm an toàn giao thông năm 2019 với chủ đề “Năm an toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”. Chỉ đạo các lực lượng chức năng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban An toàn giao thông TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu, tập trung xử lý những hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông; lập kế hoạch khám sức khỏe và kiểm tra toàn bộ lái xe vận tải để kịp thời phát hiện, xử lý việc sử dụng chất kích thích, ma túy... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.