Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn trên không gian mạng

Việt Nga| 21/11/2020 07:25

(HNM) - Thời gian gần đây, các cơ quan quản lý đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng. Đây là nhiệm vụ then chốt khi quá trình chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều công nghệ, ứng dụng mới - kẽ hở để tin tặc tấn công nếu có sự chủ quan lơ là…

Theo AV-Test (một tổ chức độc lập của Đức, chuyên đánh giá về các phần mềm diệt vi rút), hằng ngày, thế giới ghi nhận có hơn 350.000 phần mềm độc hại mới và các ứng dụng không mong muốn xuất hiện. Năm 2019 có 981,57 triệu mã độc, tăng 15% so với năm 2018. Còn theo phân tích từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì tội phạm mạng là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại sẽ phải đối mặt trong hai thập kỷ tới. Thiệt hại do tấn công mạng có thể lên đến hàng nghìn tỷ USD vào năm 2021, tăng mạnh so với thiệt hại của năm 2015 (là 500 tỷ USD). Riêng tại Việt Nam, 10 tháng của năm 2020 đã ghi nhận 4.161 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố.

Cục An toàn thông tin cho rằng, tin tặc sử dụng các biện pháp tấn công mạng ngày càng tinh vi với công nghệ giả mạo giống như thật. Chẳng hạn, đã có đối tượng giả mạo “bẻ gẫy” hệ thống nhận dạng giọng nói bằng việc tái tạo lại giọng nói dựa trên mẫu giọng nói thu được… để xâm nhập thiết bị, hệ thống của cá nhân, tổ chức.

Rõ ràng những phân tích, cảnh báo này rất quan trọng đối với việc bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống thông tin quốc gia, của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân.

Để ngăn chặn tình trạng tin tặc sử dụng các biện pháp tấn công mạng, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết, thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã tăng cường triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp (lực lượng tại chỗ; tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia). Trong đó có xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành an ninh mạng (SOC) và xây dựng đội ngũ chuyên gia an toàn, bảo mật chất lượng cao. Đặc biệt, từ ngày 17-9-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai chiến dịch "Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020". Cùng với đó, Bộ đẩy mạnh việc phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam.

Về kết quả thực hiện, đến nay có gần 100% bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã triển khai mô hình SOC. Tháng 10-2020, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet (máy tính ma) còn hơn 1,3 triệu địa chỉ, giảm 22,4% so với tháng 9-2020 và giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, sau 2 năm, việc phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam đã đạt khoảng 90% các dòng sản phẩm an toàn, an ninh mạng, thay vì trước đây phải nhập khẩu gần như toàn bộ - tiềm ẩn các nguy cơ khác. Nổi bật trong số này là Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố và trao tặng danh hiệu “Chìa khóa vàng” cho 45 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp an toàn thông tin, sản phẩm công nghệ thông tin an toàn tiêu biểu đáp ứng các tiêu chí an toàn, bảo mật phục vụ cho quá trình chuyển đổi số.

Đánh giá về kết quả này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nêu rõ, Bộ đã xác định an toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ then chốt trong phục vụ chuyển đổi số. Do vậy, để bảo đảm an toàn, an ninh mạng thì việc làm chủ công nghệ là yếu tố căn cơ và Bộ luôn luôn đặt ra mục tiêu phát triển “kép” là vừa làm chủ sản phẩm an ninh mạng trong nước vừa cung cấp sản phẩm, dịch vụ này ra toàn cầu!

Nói thêm về nhiệm vụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong thời gian tới, ông Nguyễn Khắc Lịch nhấn mạnh, phải có hệ thống giám sát thông tin một cách liên tục, đồng bộ để phát hiện sớm nhất và ngăn chặn kịp thời các nguy cơ trong hệ thống. Nhưng hơn hết đó là về con người, cần xây dựng đội ngũ có chuyên môn tốt, học tập tìm hiểu liên tục để bắt kịp xu thế, công nghệ trên thế giới, các hình thức tấn công mới, các rủi ro mới...

Nhờ những nỗ lực trên, năm 2019, Liên minh Viễn thông thế giới công bố, chỉ số GCI (chỉ số an toàn, an ninh mạng) của Việt Nam đã tăng 50 bậc, xếp thứ 50/193. Với những gì đã và đang thực hiện, có thể tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu vào năm 2025 đứng thứ 40/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về chỉ số GCI.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn trên không gian mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.