(HNM) - Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, trong 10 tháng năm 2015, cả nước ghi nhận 150 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với hơn 4.000 người mắc, trong đó có 21 người tử vong. Số vụ và ca mắc tuy giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn gây hoang mang dư luận.
Ngộ độc tập thể có xu hướng gia tăng
Trong tổng số vụ NĐTP xảy ra trong 10 tháng qua, riêng bếp ăn tập thể có 33 vụ khiến gần 5.000 người mắc và nhập viện, trong đó 70% vụ ngộ độc do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn không bảo đảm ATTP trong quá trình vận chuyển, bảo quản thức ăn và 30% do việc mất ATTP của bếp ăn tại chỗ.
Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ Thành Công. Ảnh: Văn Chiến |
Theo đánh giá của Cục ATTP, so với cùng kỳ năm trước, năm nay, số vụ NĐTP và ca mắc giảm nhưng số người bị NĐTP tại bếp ăn tập thể và các vụ ngộ độc lớn có chiều hướng gia tăng tại các khu công nghiệp. Nguyên nhân là giá trị khẩu phần ăn của người lao động tại các khu công nghiệp còn quá thấp. Trong khi đó, công nhân tại các khu công nghiệp chủ yếu là lao động nữ, ở độ tuổi sinh đẻ, những bữa ăn giá rẻ, không đủ dinh dưỡng như vậy sẽ ảnh hưởng tới khả năng làm việc và tác động xấu tới sức khỏe sinh sản, duy trì nòi giống. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh kích thích tăng trọng trong chăn nuôi hiện nay đang rất đáng lo ngại.
Theo tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, trong tháng 8 và 9, cơ quan này đã lấy 63 mẫu rau quả kiểm nghiệm đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, 30 mẫu thịt lợn và 30 mẫu thịt gà để phân tích các chỉ tiêu vi sinh và hóa chất. Kết quả cho thấy, có 14/63 mẫu rau quả, chiếm tỷ lệ hơn 22% có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép của Việt Nam; hơn 3% thịt lợn có dư lượng Sulfadimidine (kháng sinh kích thích tăng trọng) vượt mức giới hạn cho phép và 10% mẫu thịt lợn chứa chất cấm, gà nhiễm Salmonella (vi khuẩn gây bệnh đường ruột).
Trước thực trạng trên, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho rằng, để bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng, phòng chống NĐTP có hiệu quả, Cục ATTP đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, kinh doanh thức ăn đường phố; tập trung quản lý điều kiện ATTP của các cơ sở, đặc biệt kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng nguyên liệu, sử dụng phụ gia thực phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện bảo quản thức ăn, vệ sinh cá nhân của người trực tiếp chế biến thức ăn và việc lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định.
Tăng cường kiểm tra ATTP dịp cuối năm
Thời điểm hiện nay, ngoài việc tăng cường thanh, kiểm tra các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, cơ quan chức năng bắt đầu triển khai kế hoạch kiểm tra ATTP cuối năm. Riêng đối với các tỉnh biên giới sẽ đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, gia cầm nhập khẩu trái phép, không bảo đảm ATTP.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ nhận định, trên thực tế, nhiều cơ sở nhỏ lẻ, quy mô gia đình chỉ đến dịp cuối năm, dịp Tết mới sản xuất một số mặt hàng theo nhu cầu thị trường nên điều kiện vệ sinh và máy móc sản xuất không bảo đảm, người sản xuất không được tập huấn... Chính vì vậy, dịp cuối năm, cơ quan chức năng sẽ tập trung tăng cường kiểm tra những cơ sở kinh doanh, sản xuất kiểu thời vụ. Ông Trần Ngọc Tụ cũng cho rằng, thời gian qua, tình hình ATTP đã có chuyển biến nhưng nếu không tập trung kiểm tra, vi phạm sẽ nhiều hơn, mức độ vi phạm sẽ nặng hơn. Vì vậy, cơ quan chức năng luôn coi việc kiểm tra là một trong những biện pháp để kiểm soát tốt hơn chất lượng các mặt hàng thực phẩm.
Bên cạnh đó, theo Sở Y tế Hà Nội, nhằm huy động toàn thể nhân dân tham gia tuyên truyền bảo đảm ATTP, trong giai đoạn 2015-2020, UBND TP Hà Nội xây dựng chương trình truyền thông "Chung tay vì an toàn thực phẩm". Chương trình sẽ đi vào các hoạt động cụ thể như đẩy mạnh công tác truyền thông cộng đồng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm ATTP tại địa phương, tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách… Mục đích của chương trình nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hướng tới cung cấp các sản phẩm chất lượng, an toàn cho cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.