(HNMCT) - Bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người dân cần tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để góp phần phòng, chống dịch Covid-19. Bởi có những thói quen không tốt khi nấu nướng và ăn uống cũng là nguyên nhân gây ngộ độc, khiến thực phẩm trở thành “độc dược”, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe.
Nhiều sai lầm khi tích trữ thực phẩm
Nhằm hạn chế đi lại để phòng, chống dịch Covid-19 nên nhiều bà nội trợ thay vì đi chợ hằng ngày để mua đồ tươi sống cho ngon đã lựa chọn giải pháp mua thực phẩm tích trữ dùng cho nhiều ngày. Có người coi chiếc tủ lạnh là "bảo bối" để bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, sai lầm rất lớn của nhiều người là khi đi chợ về để nguyên cả túi nilon cho vào tủ lạnh, điều này dễ làm thực phẩm lây nhiễm vi khuẩn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Bên cạnh đó, thói quen mua thức ăn dự trữ và để đồ ăn quá lâu trong tủ lạnh cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe mà nhiều người không biết.
Tủ lạnh không phải là vật toàn năng có thể ngăn chặn mọi vi rút, vi khuẩn. Theo GS.TS Lê Danh Tuyên, khi để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh thì một số enzyme trong thực phẩm sẽ tự phân hủy và chuyển hóa, làm cho thực phẩm ít nhiều mất đi một số chất dinh dưỡng, chất béo hòa tan... Ngoài ra, nếu tủ lạnh không được vệ sinh thường xuyên thì sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Những thức ăn có hạn sử dụng ngắn nên được xếp ở phía cửa tủ, để tránh bị quá hạn.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, tủ lạnh không phải tủ đá, chỉ bảo quản thực phẩm được một thời gian nhất định. Khi cho nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, luồng khí lạnh của tủ sẽ bị giảm khả năng lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm. Người dân chỉ nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh một thời gian nhất định. Đối với thực phẩm chín, chỉ nên bảo quản tới ngày hôm sau vì nếu để lâu thì thực phẩm chín sẽ sinh ra độc tố.
Chỉ sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ
Để bảo quản thực phẩm hiệu quả, giữ được thành phần dinh dưỡng, bà Hoàng Thị Minh Thu, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, rau muốn bảo quản được lâu thì cần sơ chế. Bỏ lá sâu, cắt bỏ phần rễ, rửa sạch rau và cho vào túi, buộc kín rồi xếp vào ngăn tủ mát. Với các loại trái cây thì cần cắt bỏ cuống, loại bỏ những quả hỏng, rửa sạch, để ráo và phân thành từng loại riêng, cho mỗi loại vào một túi nilon bảo quản thực phẩm và để trong ngăn mát tủ lạnh. Tuyệt đối không để trái cây vào ngăn đá hay ngăn mát trên cùng bởi nhiệt độ quá lạnh sẽ hỏng nhanh. Củ, quả chỉ gọt vỏ trước khi chế biến hoặc trước khi ăn. Đối với những trái cây đã sử dụng một phần, nên dùng màng bọc thực phẩm bọc kín rồi bảo quản ở ngăn mát.
Với thịt, cá tươi, bà Hoàng Thị Minh Thu lưu ý, nên rửa sạch, để ráo nước và chia nhỏ theo từng bữa rồi cho vào các hộp riêng trước khi đưa vào ngăn đá; khi cần chế biến món ăn thì lấy ra rã đông và sử dụng ngay. Thịt để trong ngăn đá tủ lạnh nên được sử dụng trong vòng 1 tuần, thịt để trong ngăn lạnh thì chỉ nên 2 ngày. Không đặt hộp đựng thịt chín gần phần thịt sống để ngăn ngừa sự lây nhiễm vi khuẩn. Giò chả, nem chua khi bảo quản trong tủ lạnh cần lột hết lớp vỏ gói bên ngoài. Nên dùng giò chả, nem chua trong vòng 2 ngày; nếu chưa ăn kịp, nên luộc lại...
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra lời khuyên, những món canh chỉ để tủ lạnh trong khoảng 24 giờ. Các món kho, mặn không nên để quá 3 ngày và bảo quản ở vị trí lạnh nhất trong tủ lạnh. Để tránh thực phẩm để quá lâu và lẫn lộn, nên ghi chú ngày tháng trên nắp hộp. Không nên để thức ăn đã qua chế biến quá 2 giờ dưới nhiệt độ bình thường. Tốt nhất là nên nấu sôi, để nguội và cất vào tủ lạnh ngay sau khi sử dụng xong.
Nhìn chung, người tiêu dùng nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc và có mùi khó chịu. Người tiêu dùng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại. Để bảo đảm an toàn trong mùa dịch, nên sử dụng găng tay khi lựa chọn thực phẩm ở chợ. Luôn bảo đảm ăn thực phẩm chín, uống nước sạch đã được đun sôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.