Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống

Gia Bảo - Trần Hải| 07/01/2019 07:46

(HNM) - Tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, trong khi đây là thời điểm cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nguồn hàng thực phẩm chuyển về các chợ rất lớn.


Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tại chợ Tân Trụ (đường Nguyễn Sỹ Sách, quận Tân Bình), ở một số quầy bán thịt lợn không được đóng dấu kiểm soát giết mổ và tem kiểm tra vệ sinh thú y. Chị Đặng Thị Mai, người bán thịt lợn lâu năm ở đây cho biết: "Nguồn thịt ở chợ chủ yếu được lấy từ các lò mổ ở huyện Củ Chi. Cũng biết là bán thịt lợn phải có dấu, tem kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng nghĩ là thịt tươi được mổ và bán trong ngày nên chúng tôi cho rằng không cần thiết”.

Tương tự, tại chợ Cây Xoài (phường Cát Lái, quận 2), cứ mỗi dịp cuối tuần rất đông người dân tập trung mua bán các mặt hàng thịt và hải sản. Thế nhưng, hầu như nguồn hàng không có bất cứ dấu hay tem kiểm định thực phẩm nào của cơ quan chức năng.

“Thuận mua vừa bán, đồ hải sản như mực ống, bạch tuộc, cá ngừ... đều được chúng tôi bảo quản rất kỹ để bán cho người dân”, chị Đinh Thị Hằng, chuyên bán hải sản ở chợ nói. Trong khi đó, chị Trần Tân Cẩm, người mua thực phẩm cho rằng, khi mua cũng không quan tâm nhiều đến kiểm định an toàn thực phẩm, chỉ thấy thực phẩm tươi là mua.

Theo thống kê từ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có 240 chợ đang hoạt động, trong đó có 17 chợ loại 1, 53 chợ loại 2 và 170 chợ loại 3. Trong đó có tới 96% chợ truyền thống (hay còn gọi là chợ dân sinh) kinh doanh thực phẩm.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố cho hay: "Điều đáng lo ngại nhất tại các chợ dân sinh là công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm từ gốc chưa được bảo đảm. Trong khi, người dân lại có tâm lý chủ quan, chưa coi trọng vấn đề an toàn thực phẩm đối với sức khỏe, tiện đâu mua đấy...".

Để tăng cường khâu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm tại các chợ dân sinh và chợ đầu mối trên địa bàn thời gian tới, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2019. Cụ thể, thành lập 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành để tiến hành kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn từ ngày 1-1 đến 25-3-2019.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố cho biết, Ban cũng đã tổ chức kiểm tra việc ghi chép nguồn gốc hàng hóa tại 240 chợ truyền thống trên địa bàn. Dự kiến, năm 2019, Ban sẽ công bố thông tin các chợ bảo đảm an toàn thực phẩm để người tiêu dùng nhận biết và chọn lựa nơi mua. Cùng với đó, thành phố còn xây dựng nguồn thực phẩm sạch đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP... thông qua hoạt động kết nối các tỉnh, thành phố lân cận với việc cấp hơn 300 giấy an toàn vệ sinh thực phẩm cho các đơn vị liên kết, sản xuất đạt chuẩn...

Để nâng cấp, thay đổi diện mạo của hệ thống chợ truyền thống, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 cùng bộ tiêu chí cụ thể. Mục tiêu là xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.