Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn là mục tiêu hàng đầu

Thu Trang| 15/09/2014 06:36

(HNM) - Từ hôm nay (15-9), Việt Nam bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng miễn phí vắc xin phối hợp sởi - rubella với quy mô lớn nhất từ trước tới nay: Diễn ra từ tháng 9-2014 đến tháng 2-2015 tại khắp 63 tỉnh, thành phố.


Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, chiến dịch nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng sởi và rubella, hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh. Với chiến dịch này, yêu cầu bảo đảm an toàn là trên hết, do đó chỉ nơi nào chuẩn bị tốt thì mới triển khai tiêm, chứ không tiến hành ồ ạt.

Xóa "vùng lõm" tiêm chủng

Theo Dự án tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia, hiện nay công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiêm miễn phí vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi đã cơ bản hoàn tất, bảo đảm đúng kế hoạch đề ra. Chiến dịch được triển khai thí điểm tại 4 địa phương, bao gồm huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) và Cư Kuin (Ðắk Lắk) từ ngày 15-9 đến 2-10. Ngay sau đó, chiến dịch sẽ được triển khai đồng loạt tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước vào tháng 10, dự kiến kết thúc vào tháng 2-2015 với khoảng 23 triệu trẻ trong độ tuổi được tiêm phòng. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình tại hai ổ dịch sởi đã được phát hiện ở Hòa Bình và Sơn La từ cuối tháng 8 đến nay, Bộ Y tế đã yêu cầu hai tỉnh này lên kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng cho những đối tượng trong vùng dịch sớm hơn dự kiến.

Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng ngừa bệnh sởi và rubella cho trẻ. Ảnh: Dạ Thảo


Theo ông Trần Đắc Phu, hai ổ dịch sởi xuất hiện ở huyện Vân Hồ, Mộc Châu (tỉnh Sơn La) và tại xã Hang Kia (huyện Mai Châu, Hòa Bình) - những địa phương vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt trên 60%. Tại những nơi này, người dân sinh sống không tập trung, thường đi nương cách xa địa bàn sinh sống nên công tác tiêm phòng chắc chắn gặp khó khăn. Trước tình hình trên, ngoài việc tăng cường giám sát chặt diễn biến của dịch sởi, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và xử lý triệt để, tránh lây lan, Cục Y tế dự phòng đã chỉ đạo Sở Y tế Hòa Bình và Sơn La rà soát các đối tượng trong diện được tiêm chủng, đồng thời tiến hành tập huấn cho cán bộ y tế về công tác bảo đảm an toàn trong tiêm chủng. Hiện nay, Sở Y tế Hòa Bình đã hoàn tất việc triển khai tiêm sởi - rubella cho hơn 11 nghìn trẻ ở huyện Mai Châu. Theo kế hoạch, huyện sẽ lần lượt tổ chức 4 đợt tiêm, trong đó đợt 1, 2, 3 diễn ra từ ngày 17 đến 25-9, đợt 4 từ ngày 10 đến 15-11. Sau huyện Mai Châu, các huyện tiếp theo của tỉnh Hòa Bình sẽ triển khai tiêm theo kế hoạch từ nay đến hết tháng 2-2015, mục tiêu là bảo đảm cho 95% trẻ từ 1 đến 14 tuổi được tiêm phòng sởi - rubella.

Chiến dịch tiêm phòng của tỉnh Sơn La sẽ được triển khai trong dịp này, 1.635 điểm tiêm vắc xin sẽ được thiết lập để phục vụ hơn 300 nghìn trẻ. Để bảo đảm an toàn và đáp ứng tốt nhiệm vụ tiêm phòng cho trẻ, địa phương sẽ tổ chức chiến dịch theo phương thức cuốn chiếu. Cụ thể, mỗi huyện, thành phố tổ chức 3 đợt, hoàn thành đợt 1 mới chuyển sang đợt 2, rồi đợt 3, mỗi đợt thực hiện ở 1/3 số xã. "Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh mở màn chiến dịch thực hiện tốt việc rà soát đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng, không để bỏ sót đối tượng, đặc biệt là chú trọng tổ chức các điểm tiêm lưu động để phục vụ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, tránh để tồn tại các vùng lõm tiêm chủng" - ông Trần Đắc Phu cho biết.

Phải chuẩn bị tốt trước khi triển khai

Trong chiến dịch tiêm chủng này, ngành y tế đặt công tác bảo đảm an toàn cho trẻ lên hàng đầu. Ông Trần Đắc Phu cho rằng, nơi nào chuẩn bị tốt, đáp ứng mọi quy định về tiêm chủng của Bộ Y tế thì mới được phép triển khai tiêm, chứ không làm ồ ạt. Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tỉnh, thành phố, đồng thời sẽ thành lập các đoàn giám sát công tác triển khai tiêm chủng.

Cùng với các địa phương trên cả nước, Hà Nội bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella từ ngày 18-10 cho khoảng 1,5 - 1,6 triệu trẻ trong độ tuổi 1 đến 14. Chiến dịch tiêm tại Hà Nội được chia thành 3 đợt, kéo dài từ tháng 8-2014 đến tháng 1-2015. Thành phố đã dành khoảng 30 tỷ đồng cho công tác tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng này. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Để bảo đảm an toàn cho trẻ, trung tâm sẽ cung cấp đầy đủ trang thiết bị, vật tư cần thiết cho các điểm tiêm; cùng với trung tâm y tế quận, huyện tổ chức tập huấn cho 100% số cán bộ tham gia công tác chỉ đạo, giám sát về mục đích, nội dung, cách thức tổ chức giám sát chiến dịch; tổ chức tập huấn về điều tra đối tượng tiêm chủng, phương pháp bảo quản và sử dụng vắc xin, cách tiêm chủng an toàn... cho nhân viên y tế. Điểm đáng lưu ý là các bác sĩ không chỉ dựa vào tờ khai của gia đình trẻ, mà phải khám sàng lọc thật kỹ để loại trừ việc tiêm vắc xin cho những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, dị ứng… Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, mặc dù vắc xin sởi - rubella được coi là an toàn, hiếm khi xảy ra phản ứng phụ nhưng ngành y tế thành phố đã chỉ đạo các đơn vị bố trí tổ cấp cứu tại chỗ, tổ cấp cứu cơ động thường trực trong những ngày tiêm chủng, sẵn sàng xử lý khi có trường hợp phản ứng sau tiêm. Ngoài ra, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã sẽ phân công cán bộ chuyên môn để theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ các trạm y tế nhằm bảo đảm cho công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, đúng quy định.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay, cả bệnh sởi và bệnh rubella đều không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh là tiêm vắc xin. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin phối hợp sởi - rubella là 95%. Nguồn vắc xin sử dụng cho chiến dịch tiêm chủng lần này do Tổ chức Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), UNICEF viện trợ với kinh phí trên 36 triệu USD. Vắc xin do Ấn Độ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới kiểm định và thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella được thực hiện ở 1.000 xã, phường, thị trấn trong cả nước với khoảng 23 triệu trẻ từ 1 đến 14 tuổi được tiêm phòng. Từ năm 2015, loại vắc xin này sẽ được đưa vào chương trình TCMR thường xuyên.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn là mục tiêu hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.