(HNM) - Mấy năm gần đây, hình thức du lịch
Một nhóm “phượt”. |
An toàn là "hên xui"?
Bà Nguyễn Thị Kim Khánh, nguyên Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt chi nhánh Hà Nội, một "phượt thủ" kỳ cựu cho rằng, độ an toàn của các chuyến "phượt" ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn là "hên xui". Sự an toàn của các chuyến đi phụ thuộc vào khả năng, sự hiểu biết và kinh nghiệm của "phượt thủ" cũng như điều kiện an toàn khách quan của các điểm đến. "Thực tế, không nhiều người Việt biết rõ và rèn luyện kỹ năng để "sinh tồn" trong các hành trình. Trong khi đó, các điểm đến yêu thích của phượt thủ lại có địa hình rất hiểm trở và cơ sở hạ tầng còn hạn chế như: đèo Ô Quy Hồ, Y Tý (Lào Cai), đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang), đèo Khau Phạ (Yên Bái), đèo Pha Đin (Lai Châu)...", bà Nguyễn Thị Kim Khánh nhận định.
Do sức hấp dẫn và ý nghĩa mà những chuyến "phượt" mang lại rất lớn nên ngày càng có nhiều người trẻ trên thế giới và Việt Nam coi "phượt" là một đam mê trong cuộc đời. Họ ý thức rõ và nghiêm túc về hành trình của mình là nhằm mục đích trải nghiệm, khám phá tự nhiên, văn hóa, con người... và thường kết hợp "phượt" với nhiều việc làm ý nghĩa như: Làm từ thiện, giúp đỡ người dân địa phương trồng, thu hoạch nông sản... Và sau mỗi hành trình, họ thường quảng bá cho những vùng đất họ đã đi qua bằng mạng xã hội qua đó thúc đẩy du lịch địa phương đó phát triển...
Chuẩn bị gì trước khi lên đường?
Thực tế cho thấy, thanh niên các nước, đặc biệt là các nước phương Tây chuẩn bị cho những hành trình "phượt" không phải trong thời gian ngắn mà là cả một quá trình từ rèn luyện tinh thần, ý chí, sức khỏe cho đến trau dồi kiến thức. Điều này một phần là do ý thức của mỗi người, và phần khác là do đặc trưng văn hóa, đặc tính dân tộc và cả cách giáo dục của mỗi nước... Thanh niên phương Tây đã được rèn luyện về kỹ năng sống, sinh tồn, chơi các môn thể thao mạo hiểm như: Leo núi, vượt thác, bơi lặn, đi rừng... từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Vì vậy, mỗi cá nhân đã có sự hiểu biết, kiến thức để bảo đảm an toàn trong suốt chuyến đi. Về tổ chức, họ trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ gồm: Túi y tế, vũ khí sinh tồn, bản đồ vệ tinh, định vị, la bàn, lều trại, vật dụng sinh tồn, kiến thức về điểm đến. Họ cũng nghiên cứu kỹ địa hình, điều kiện sống, con người, văn hóa vùng miền… nơi mình đến. Ngoài ra, họ không quên thông báo hoặc xin phép các đơn vị quản lý của điểm đến hoặc thông tin cho các công ty bảo hiểm mà họ đang có hợp đồng.
Để đi "phượt" an toàn, theo bà Nguyễn Thị Kim Khánh, các "phượt thủ" phải biết lượng sức của mình và tuyệt đối không "ăn theo" nhóm bạn hay "thích thì đi", bởi điều đó liên quan đến an toàn tính mạng của chính mình và những người đi cùng. Cần nghiêm túc nhìn nhận thực lực của mình về tinh thần, sức khỏe, kiến thức, sự hiểu biết, kinh nghiệm, kỹ năng sinh tồn và những kỹ năng đặc trưng cho các loại hình "phượt" lựa chọn các điểm đến trong ngưỡng an toàn phù hợp với mình. Ông Đặng Tiến Đạt, đại diện Lạc Hồng Travel chia sẻ kinh nghiệm khi đi "phượt" là nên đi chậm; không đi quá sát vách núi; không đi sát và vượt xe có trọng tải lớn vì những xe này tạo ra lực hút lớn, nếu tay lái không vững, xe máy có thể sẽ bị hút vào gầm; tránh đi buổi tối...
Thời gian qua, đã có quá nhiều mất mát về con người liên quan đến "phượt". Chỉ trong hai tháng 11 và 12-2015, tại các tỉnh phía Bắc, đã có hai "phượt thủ" tử nạn và không ít người bị thương trên các cung đường "phượt". Chính vì vậy, đã đến lúc các bạn trẻ cần suy nghĩ thấu đáo, chuẩn bị thật tốt và kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi. Bởi điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng mà còn để những chuyến "phượt" đạt được ý nghĩa tuyệt vời vốn có.
Nhờ sở hữu những cảnh sắc độc đáo không đâu có nên Việt Nam được coi là "thiên đường" đối với các "phượt thủ". Theo xếp hạng của Smashing List, Việt Nam đứng thứ hai trong nhóm các quốc gia dành riêng cho dân du lịch bụi. "Phượt thủ" nổi tiếng người Na Uy Gunnar Gargors đánh giá, Việt Nam đứng thứ 4 trên 12 quốc gia du lịch bụi ấn tượng nhất trong số 198 nước trên thế giới mà anh từng đi qua. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.