Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa: Kiên quyết xóa “3 không”

Lương - Thành| 09/05/2019 06:35

(HNM) - Không đăng ký; không đăng kiểm; người lái không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn là thực trạng

Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa. Trong ảnh: Khách đi đò tại bến đò Trần Phú (quận Hoàng Mai) không mặc áo phao. Ảnh: Tuấn Lương


Gần 47% phương tiện thủy chưa được đăng ký

Bến đò Trần Phú (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) chiều 7-5 khá thưa vắng khách. Con đò sắt mang số hiệu VS96035250 đón được gần chục khách kèm phương tiện liền nổ máy tiến sang phía bờ bên kia sông Hồng. Nổi bật ngay trên boong điều khiển là khẩu hiệu “Khách đi đò mặc áo phao” nhưng theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, từ người điều khiển đến toàn bộ hành khách không ai mặc áo phao...

Ở bến đò Văn Đức (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) cũng có những con đò ngày ngày miệt mài chở khách qua lại hai bờ sông Hồng. Trên đò cũng ghi khẩu hiệu “Khách đi đò mặc áo phao” nhưng không ai mặc áo phao và tìm “đỏ mắt” cũng không thấy số hiệu của đò... “Không mặc áo phao mà vẫn đi đò có lo mất an toàn?” - Trả lời câu hỏi này, chị Nguyễn Thị Hằng, ngõ 670 Nguyễn Khoái (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai) bảo, hồi đầu mới đi cũng lo, nhưng giờ đi nhiều thành quen nhưng nếu có vẫn yên tâm hơn.

Đề cập về vấn đề này, Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội thừa nhận, các lái đò thường chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chứ không được đào tạo bài bản. Phương tiện hầu hết đã hết hạn đăng kiểm, kiểm định hoạt động, nhiều đò nhỏ chở người ra bãi bồi trên sông Hồng thậm chí còn không được đăng ký và không có giấy phép mở bến. Tại 28 bến đò ngang trên địa bàn thành phố nhiều năm nay chưa xảy ra tai nạn, sự cố gây thiệt hại về người và tài sản.

Tuy nhiên, việc chưa chấp hành đầy đủ các quy định trong kinh doanh vận tải hành khách đường thủy đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Phổ biến nhất là các lỗi như người đi đò không mặc áo phao, đò không trang bị dụng cụ cứu sinh, neo đậu sai quy định, chở quá tải…

Tình trạng “3 không” cũng diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Ông Đỗ Minh Tiến, Phòng Phương tiện và Thuyền viên (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) cho biết, theo thống kê, tổng số phương tiện thủy nội địa đã đăng ký là hơn 250.000 chiếc, đạt khoảng 53,6%. Còn gần 47% tổng số phương tiện thủy chưa được đăng ký và chủ yếu rơi vào loại có tải trọng thấp, dưới 50 tấn.

Ngoài nguyên nhân chủ phương tiện thiếu hiểu biết pháp luật thì một phần do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, bởi việc đăng ký phương tiện thủy nội địa được ủy quyền cho các địa phương thực hiện.

Không quyết liệt, khó xóa "3 không"

Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an thành phố Hà Nội) tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự trên sông Hồng.


Vi phạm nhiều, song khâu kiểm tra, xử lý đang bộc lộ không ít bất cập là quan điểm được đại diện các cơ quan chức năng đưa ra. Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và Phổ biến pháp luật về an toàn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho rằng, theo quy định, phương tiện thủy vi phạm hành chính sẽ bị giữ giấy tờ, nếu không có giấy tờ sẽ giữ phương tiện để ngăn chặn vi phạm và nhằm bảo đảm xử phạt hành chính.

Tuy nhiên, hiện nay Cục không có đủ nơi tạm giữ phương tiện theo quy định. Một bất cập khác là - trong quá trình tạm giữ phương tiện, nếu xảy ra sự cố vỡ, hỏng, hoặc chìm phương tiện thì phải đền bù thiệt hại cho chủ tàu. Ngoài ra, các phương tiện nhỏ chủ yếu phục vụ mục đích dân sinh nên sự nhận thức và hiểu biết của chủ tàu về công tác đăng ký, đăng kiểm theo luật định còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, trên thực tế, các phương tiện đường thủy nhỏ lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn. Thêm nữa, việc kiểm tra xử lý vi phạm không thường xuyên, liên tục do đặc điểm loại hình sông nước đã tạo ra sự chủ quan, lơ là, thiếu thận trọng của người điều khiển tàu thuyền.

Còn theo Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội, lực lượng chức năng còn mỏng nên không thể kiểm soát hết các bến đò. Phần lớn các trường hợp vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe. Công tác quản lý của các địa phương vẫn chưa thực sự chặt chẽ khi nhiều trường hợp chủ bến đò bị xử lý vi phạm, nhưng sau một thời gian vẫn tái phạm...

Thời gian tới, đặc biệt trong mùa mưa bão, Cục Cảnh sát giao thông sẽ bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các phương tiện vận tải có hành vi vi phạm về giao thông đường thủy nội địa. Thông qua kiểm tra, xử lý sẽ lồng ghép tuyên truyền các quy định về pháp luật giao thông đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, để đưa việc tuân thủ quy định đi vào nền nếp, ngoài lực lượng cảnh sát giao thông rất cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các địa phương nơi có tuyến đường thủy nội địa hoạt động, quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý ở lĩnh vực này, vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ký ban hành quyết định phê duyệt đề án “Các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tình hình mới”.

Đáng chú ý, đề án đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể như: Cải tạo 100% "điểm đen" tai nạn giao thông đường thủy trên các tuyến vận tải chính; 100% phương tiện thủy được lắp thiết bị nhận dạng tự động AIS; thông tin liên lạc VHF và đăng ký, đăng kiểm theo quy định; 100% người lái phương tiện thủy được đào tạo... Để đạt các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Giao thông đường thủy nội địa; nâng cấp, xây dựng cơ sở dữ liệu đường thủy quốc gia; tổ chức thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “văn hóa giao thông với bình yên sông nước"...

Mục tiêu đặt ra rất rõ ràng. Vấn đề đặt ra là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để hiện thực hóa. Không quyết liệt kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, khó xóa được "3 không".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa: Kiên quyết xóa “3 không”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.