(HNM) - Hiện đang là mùa mưa bão, vì thế, công tác phòng chống nhằm hạn chế thấp nhất các sự cố do thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhất là bảo đảm an toàn về điện đã được tăng cường. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Đăng Thiện, Phó Trưởng ban An toàn - Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) về vấn đề này.
- Để phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất các sự cố đáng tiếc do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão, EVN HANOI đã chủ động triển khai các giải pháp gì, thưa ông?
- Ngay từ đầu năm và đặc biệt trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã chỉ đạo các công ty điện lực rà soát thiết bị của hệ thống lưới điện, thay thế các điểm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Kiểm tra kết cấu cơ khí, xây dựng của hệ thống điện và thiết bị điện ngoài trời, trong nhà, khu vực đông dân cư, bảo đảm cách điện, chống rò điện, các kết cấu vững chắc an toàn. Tổng công ty cũng tăng cường kiểm tra, rà soát, nhất là các khu vực dễ bị ảnh hưởng từ thời tiết cực đoan, để xử lý khắc phục trong quý I-2019.
Các công ty điện lực đã bám sát các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chung của EVN HANOI. Các đơn vị đã tăng cường ứng trực; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt... Xử lý ngay những vị trí, các điểm không đạt tiêu chuẩn quy định của lưới điện, củng cố tiếp địa cao áp, hạ áp của cột điện, trạm điện,... để bảo đảm an toàn cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong các tình huống.
Trước mùa mưa bão, các đơn vị đã kiểm tra củng cố đường dây, trạm biến áp cấp điện cho các trạm bơm tiêu, bảo đảm công suất, nguồn dự phòng; tăng cường kiểm tra hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, chống úng, ngập nước tại hầm cáp, thiết bị của các trạm 110kV…
Các công ty điện lực cũng phối hợp với đơn vị liên quan nhằm xử lý những nguy cơ cây xanh, biển quảng cáo,… có khả năng gãy đổ, bay vào đường dây, trạm biến áp; lập phương án ứng phó khi có cây đổ vào đường dây trung, cao thế cho một trong các tuyến dây trọng yếu của từng quận, huyện, thị xã...
- Vậy, với các vụ vi phạm về hành lang lưới điện thì xử lý thế nào?
- Kế hoạch của EVN HANOI trong năm nay phấn đấu giảm được khoảng 30% số vụ vi phạm, tương ứng giảm 262 trường hợp và kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới. Trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm được 126 hộ vi phạm, đạt 48,1%.
EVN HANOI đang tập trung các giải pháp để xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn lưới điện mùa mưa bão; trong đó đặc biệt chú trọng việc chặt tỉa cây vi phạm. Đơn cử, tại Công ty Điện lực Sóc Sơn, hiện đơn vị quản lý chiều dài đường dây gần 500km chạy qua nhiều vùng đồi, rừng nên hoạt động phát quang hành lang lưới điện được triển khai thường xuyên, bảo đảm an toàn lưới điện.
Cùng với công tác phòng ngừa, xử lý sự cố lưới điện và tai nạn điện trong mùa mưa bão, ngành Điện đã phát tờ rơi phổ biến một số kỹ năng cơ bản tới người sử dụng điện, trong đó đặc biệt lưu ý khi có bão, mưa to, gió lớn, ngập úng.
- Nhằm hạn chế thiệt hại tối đa, đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mùa mưa bão, EVN HANOI có khuyến cáo gì với người dân Thủ đô?
- Để phòng ngừa sự cố lưới điện và tai nạn về điện xảy ra trong mùa mưa bão, EVN HANOI khuyến cáo khách hàng sử dụng điện một số vấn đề cụ thể. Theo đó, khi có bão, mưa to gió lớn, ngập úng cần chú ý tránh xa các khu vực nguy hiểm như đường dây điện, trạm điện; đề phòng sự cố bất ngờ xảy ra như cây đổ, cành cây rơi vào trạm điện, dây điện đứt, cột điện đổ, nước tràn vào trạm điện… gây cháy, nổ, rò điện.
Người dân cần cắt ngay nguồn điện của gia đình khi có nguy cơ ngập nước. Không chạm đến bất kỳ thiết bị, dụng cụ điện nào khi tay còn ướt, hoặc đi chân trần trên nền nhà ẩm ướt. Cầu dao, cầu chì, áp tô mát, công tắc, ổ cắm trong gia đình phải đặt ở nơi khô ráo; nên đặt ở vị trí cao hơn 1,4m để an toàn cho trẻ nhỏ và tránh rò điện khi mưa to gây úng ngập.
Nhà và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện phải bảo đảm không xâm phạm vào đường ra vào, đường cấp thoát nước, hệ thống thông gió của trạm điện, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm và đường dây dẫn điện trên không.
Chúng tôi cũng yêu cầu người dân không vào trạm điện, trèo lên các bộ phận của công trình lưới điện khi không có nhiệm vụ. Không thả bóng bay, bắn pháo giấy tráng kim loại... gần công trình lưới điện cao áp. Không lắp đặt ăng ten, dây phơi, giàn giáo, biển quảng cáo... tại các vị trí mà khi đổ, rơi có thể va quệt vào công trình lưới điện cao áp. Không trồng cây, hoặc để cành cây, dây leo vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây điện, trạm điện, hoặc cây đổ có thể chạm vào đường dây điện…
Khi phát hiện có người bị điện giật, cây đổ vào đường dây, trạm điện, dây tải điện bị đứt, cột điện bị đổ, vỡ sứ, trạm điện bị ngập nước, cần báo ngay cho EVN HANOI theo số điện thoại 19001288, hoặc chính quyền, công an địa phương, đơn vị quản lý điện gần nhất để xử lý.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.