(HNM) - Rùa hồ Đồng Mô là một trong bốn cá thể quý hiếm nhất trên thế giới (một cá thể ở hồ Hoàn Kiếm, một ở hồ Đồng Mô (Sơn Tây) và hai cá thể khác đang được nuôi nhốt tại một vườn thú của Trung Quốc).
Mực nước tại hồ Đồng Mô xuống thấp ảnh hưởng đến đời sống nhiều loài thủy sinh ở đây, trong đó có loài rùa quý. |
Do thời tiết khô hạn dài ngày nên mực nước tại hồ Đồng Mô xuống thấp gần mực nước chết (mực nước chết được tính là ở cao trình 13m). Ngày 2-4, nước hồ chỉ còn ở mức 13,97, mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Theo kế hoạch, trong vòng 1 tháng, Công ty Thủy lợi sông Tích thực hiện xả nước 2 đợt nữa để tưới dưỡng lúa xuân cữ trỗ đòng. Như vậy, nhận định nước hồ Đồng Mô sẽ xuống dưới mực nước "chết" nếu như trời không mưa và chưa có lũ tiểu mãn. Lúc đó không hiểu loài rùa quý này sẽ sống ra sao! Trong thư gửi Báo Hànộimới, ông Đoàn Văn Tiến, đang sinh sống và công tác tại Đồng Mô, thị xã Sơn Tây đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các nhà khoa học sớm chọn biện pháp giải cứu rùa hồ Đồng Mô. Theo ông Tiến, "nếu ở hồ Đồng Mô rùa mất đi là nỗi đau và hổ thẹn về trách nhiệm bảo vệ động vật quý hiếm của giới khoa học...".
Trở lại vụ đập tràn hồ Đồng Mô trong quá trình xây dựng dở dang gặp sự cố sau trận mưa úng lịch sử xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội và vùng lân cận hồi đầu tháng 11-2008. Hàng nghìn mét khối nước tràn qua đập làm cho "cụ" rùa cũng như các thủy sản khác bị đẩy ra kênh tiêu đã bị hàng trăm người dân vây bắt. Sau khi nước rút cạn, người dân địa phương mới tìm thấy "cụ" rùa (nặng 68kg, mai có độ dài hơn 90cm và rộng hơn 70cm). Rất may, chính quyền địa phương và giới khoa học có mặt kịp thời giải cứu, đưa cá thể rùa này về với hồ Đồng Mô.
Công ty Thủy lợi sông Tích, cơ quan trực tiếp quản lý mặt nước hồ Đồng Mô cho biết, trước kia, là một con suối thuộc nhánh sông Hồng. Năm 1969, trên suối được triển khai xây dựng hồ chứa nước, đến năm 1974 thì hoàn thành với dung lượng thiết kế 86 triệu mét khối nước, tưới cho 1.200ha đất sản xuất nông nghiệp trong lưu vực. Khi xây dựng xong, vô tình một vài cá thể rùa sống sót lại trong hồ. Theo thời gian chúng thích nghi với điều kiện sinh thái của hồ Đồng Mô và lớn lên. Tuy nhiên, vì lợi ích phát triển du lịch (xây dựng sân gôn), nhiệm vụ hồ bị thay đổi, dung tích trữ lượng nước lớn nhất chỉ còn 45,44 triệu mét khối. Vào mùa khô, do phần lớn lượng nước hồ bị bốc hơi, thẩm thấu và cung cấp nước thường xuyên cho sản xuất nông nghiệp nên lòng hồ bị chia cắt nhiều khoang. Cũng thời điểm này, hoạt động đánh bắt thủy sản xảy ra khá thường xuyên. Đây là nguyên nhân đe dọa lớn tới tính mạng "cụ" rùa hồ Đồng Mô.
Để bảo vệ sự an toàn "cụ" rùa hồ Đồng Mô, ông Ngô Thanh Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý nước, Công ty Thủy lợi sông Tích đề nghị cơ quan chức năng xem xét việc lấy nước từ lòng hồ tưới cỏ sân gôn Đồng Mô. Theo ông Minh, nếu sử dụng nước pha trộn thuốc bảo vệ thực vật ngấm dần xuống lòng hồ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ "cụ" rùa, ông Nguyễn Quang Mạnh, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, thị xã đã có biện pháp tuyên truyền cho người dân và mỗi cán bộ hiểu và quý trọng giá trị của loài rùa quý hiếm này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa bảo vệ được "cụ" rùa, vừa kết hợp nuôi trồng thủy sản mà người dân vẫn có đủ nước để phục vụ tưới tiêu và kết hợp với du lịch. Do đó, thị xã Sơn Tây cần báo cáo, trưng cầu ý kiến cơ quan chức năng cấp thành phố và nhà nước, các nhà khoa học nghiên cứu bảo tồn rùa, cùng chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp. Hiện thị xã Sơn Tây đang phối hợp với ngành có liên quan kiểm soát chặt chẽ hoạt động đánh bắt thủy sản ở hồ Đồng Mô. Trong trường hợp nước hồ xuống thấp dưới mực nước chết, thị xã sẽ cử người túc trực theo dõi, bảo vệ "cụ rùa".
Khi nhận thông tin "cụ" rùa hồ Đồng Mô kề cận sự lâm nguy, chiều 2-4, Sở NN&PTNT Hà Nội yêu cầu đơn vị thủy lợi hạn chế tối đa việc lấy nước từ lòng hồ Đồng Mô. Việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong lưu vực do các trạm bơm dã chiến đảm nhiệm. Trong trường hợp hạn hán xảy ra trên diện rộng ở lưu vực mới thực hiện lấy nước từ hồ Đồng Mô. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.