(HNM) - Trước thời điểm Luật An ninh mạng được ban hành, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại luật này có thể gây cản trở tới sự phát triển kinh tế - xã hội... Tuy nhiên, những gì diễn ra trên môi trường mạng trong thời gian qua cho thấy, luật không những bảo vệ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân, mà còn góp phần nâng cao ý thức của người sử dụng khi tương tác, chia sẻ thông tin trên mạng.
Nâng cao nhận thức người sử dụng mạng xã hội
Có thể thấy, ảnh hưởng rõ nhất của Luật An ninh mạng - có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 là cảnh tỉnh, nâng cao nhận thức của người sử dụng internet, đặc biệt là mạng xã hội (Facebook, Youtube, Zalo...). Trước đây, cộng đồng mạng tự cho mình hoạt động hoàn toàn tự do, bất chấp pháp luật, đến nay hầu hết đều hiểu rằng, dù là trên mạng thì họ vẫn phải tuân thủ pháp luật và quy phạm đạo đức của người Việt Nam.
Tình trạng tung tin giả, sai sự thật, tin bịa đặt lên mạng xã hội, trong suốt một thời gian dài, không chỉ làm thiệt hại cho cá nhân, tổ chức bị tung tin, mà còn gây tâm lý hoang mang, sự bất ổn cho cộng đồng, xã hội. Gần đây nhất, trong khi cả nước cùng vào cuộc quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, thì có không ít đối tượng tung tin sai lệch trên Facebook cá nhân về dịch bệnh này. Theo Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, đã có hơn 20 trường hợp bị xử phạt vì đăng tin, bài sai sự thật về dịch Covid-19 trên trang cá nhân.
Cũng liên quan đến việc đưa thông tin sai về dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, Sở đã chuyển Công an thành phố hồ sơ về 4 tài khoản Facebook đưa thông tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng với 1 trang tin điện tử vì không trích dẫn chính xác nguồn tin chính thức theo quy định.
Ở quy mô toàn quốc, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang thông tin, Bộ Công an đã lập danh sách hàng trăm đối tượng, tổ chức đấu tranh với gần 200 trường hợp và xử lý vi phạm hành chính hơn 30 trường hợp đưa tin sai sự thật về dịch Covid-19.
Về việc này, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam nhận định: “Luật An ninh mạng đã có tác dụng tốt với mạng xã hội nói riêng và xã hội nói chung là đã hạn chế được tình trạng đưa thông tin giả, tin sai sự thật. Từ đó giúp cảnh tỉnh nhiều người dùng mạng xã hội phải cẩn trọng khi đưa tin, dẫn nguồn tin...”.
Trong cuộc sống hằng ngày, Luật An ninh mạng cũng đã bảo vệ tốt hơn lợi ích của người dân trên không gian mạng. Vụ việc xảy ra với một ca sĩ trẻ khi bị kẻ xấu tung hình ảnh nhạy cảm lên mạng (do camera nhà riêng bị rò rỉ lỗ hổng bảo mật) đã được Luật An ninh mạng bảo vệ. Dẫn chứng về trường hợp này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang thông tin, cách đây một năm khi còn chưa hiểu rõ luật, cô ca sĩ đã đăng tải những thông tin không đúng trên trang cá nhân, nhưng sau khi chính cô trở thành nạn nhân đã tìm đến các cơ quan chức năng và nhận được sự hỗ trợ kịp thời...
Cùng quan điểm này, ông Vũ Hoàng Liên cho biết thêm, Luật An ninh mạng có tác dụng rất lớn khác là có những quy định rõ nhằm bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia và trên không gian mạng. Điều này tưởng như vô hình, nhưng lại cho một kết quả tích cực hơn, như giúp doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, người dân yên tâm làm ăn, công tác.
Trong đó, số vụ tấn công mạng giảm 30% kể từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực. Cũng theo công bố của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU, năm 2019 Việt Nam đã tăng 50 hạng về chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu.
Sớm hoàn chỉnh khung pháp lý
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện mạng xã hội Tiktok tại Việt Nam cho rằng, một hành lang pháp lý rõ ràng không chỉ giúp Nhà nước quản lý tốt hơn, mà còn giúp các doanh nghiệp và người dân biết mình cần phải làm gì, được làm gì. “Từ góc nhìn của doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm hoàn chỉnh khung pháp lý liên quan đến các hoạt động trên không gian mạng, trong đó cần sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan”, ông Nguyễn Lâm Thanh đề xuất.
Kiến nghị việc cần sớm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên đề xuất, trong các quy định nên hướng tới yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam. Việc yêu cầu nghĩa vụ thuế cần dựa trên các cơ sở: Ứng dụng công nghệ để đo đếm lưu lượng data (dữ liệu) và căn cứ vào đó để tính thuế; xây dựng các quy định để tiếp cận được công cụ thanh toán, có thể là để họ tự khai, nhưng phải có phương pháp để kiểm soát.
“Tôi cho rằng Nhà nước nên chú trọng các công cụ mạnh, kiểm soát bằng hình thức thu thuế. Cách làm này không chỉ thể hiện chủ quyền qua việc tăng hiệu quả thực thi pháp luật, mà còn tạo sự bình đẳng trong hoạt động với các doanh nghiệp "nội" trong cùng lĩnh vực”, ông Vũ Hoàng Liên nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong năm 2020, sau khi có 2 nghị định hướng dẫn triển khai thi hành Luật An ninh mạng thì cơ bản Việt Nam sẽ có đủ hành lang pháp lý để quản lý mạng xã hội nước ngoài nói riêng và an ninh mạng nói chung. Đồng thời thông tin thêm, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để sớm có quy định về xử lý tin giả.
Rõ ràng, khi có hành lang pháp lý đầy đủ, các cơ quan thực thi pháp luật có thể triển khai hiệu quả hơn Luật An ninh mạng. Cùng với đó, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, của cộng đồng cần tiếp tục được nâng cao hơn nữa để môi trường mạng ngày càng lành mạnh, an toàn hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.