(HNMO) - Ngày 27-4, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tới các xã, phường, thị trấn năm 2022 tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Thanh Xuân.
Dự hội nghị có 865 cán bộ, chuyên viên của Sở NN&PTNT, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai; trưởng và phó trưởng ban tuyên giáo các quận ủy, huyện ủy, thị ủy; trưởng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; trưởng phòng kinh tế các quận, huyện, thị xã; hạt trưởng các hạt quản lý đê; đại diện lãnh đạo ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đội xung kích phòng, chống thiên tai, quản lý đê nhân dân của 221 xã, phường, thị trấn có đê.
Thông tin tại hội nghị, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Nguyễn Văn Bảy cho biết, năm 2022 có khả năng xuất hiện 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông; trong đó có 2-3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến thành phố Hà Nội. Từ nay đến cuối năm, tại Hà Nội có khả năng xảy ra 5-7 đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Trên hệ thống sông Hồng, sông Đáy có khả năng xuất hiện 2-4 đợt lũ với biên độ lũ lên 1-4,5m...
Trong khi đó, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nguyễn Duy Du cho biết, kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa lũ năm 2022, cơ quan chuyên môn đã xác định trên địa bàn thành phố còn 5 vị trí đê điều trọng điểm, 13 vị trí xung yếu cần lập phương án bảo vệ cấp thành phố trong mùa mưa, lũ. Đặc biệt, thời gian qua, trên địa bàn thành phố phát sinh nhiều vụ vi phạm pháp luật đê điều, chưa xử lý triệt để, đe dọa an toàn công trình chống lũ…
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã giới thiệu các quy định, hướng dẫn về củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã... Lãnh đạo UBND một số địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm ứng phó bão, lũ, bảo đảm an toàn đê điều; xây dựng lực lượng xung kích ở cấp xã; xử lý vi phạm pháp luật đê điều...
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đinh Thị Lan Duyên đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của thành phố liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; chủ động đưa ra những giải pháp cụ thể để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn; đồng thời, huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của toàn xã hội, nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó, nhằm hạn chế, giảm nhẹ những tác động, thiệt hại mà thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn.
“Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện tốt các giải pháp để đạt 3 mục tiêu: Bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình thủy lợi; bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khắc phục nhanh hậu quả và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ, bão, úng ngập gây ra”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đinh Thị Lan Duyên nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.