Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo chí xung kích trong phòng, chống tội phạm

Nguyên Hoa| 21/06/2012 07:05

Có một thực tế không thể phủ nhận, báo chí từ lâu đã là một trong những nguồn cung cấp thông tin chính xác, đáng tin cậy của lực lượng chuyên ngành trong phòng, chống tội phạm (PCTP).


Bằng chứng là, thông qua nhiều bài báo, hàng loạt hành vi vi phạm đã được đưa ra ánh sáng. Điển hình nhất là các vụ việc ở Tiên Lãng, Văn Giang gần đây; những phóng sự điều tra về gian lận xăng dầu, dùng chất cấm trong chăn nuôi, phá hoại môi trường… Bạn đọc hẳn không quên vụ Vedan, báo chí không chỉ phản ánh vụ việc mà còn như một uy lực buộc nhà sản xuất dừng xả thải ra sông Thị Vải và đền bù thiệt hại của người dân…

Tại hội thảo "Nâng cao vai trò báo chí, truyền thông trong phòng, chống tội phạm, phục vụ phát triển KT-XH của đất nước" mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ba, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP nhấn mạnh: "Báo chí không chỉ nêu thực trạng tình hình mà còn đề ra những biện pháp, giải pháp cụ thể để ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm. Chính những giải pháp đó đã góp phần tích cực trong việc làm chuyển đổi nhận thức, thay đổi hành vi, góp phần hạn chế sự gia tăng tội phạm". Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ, trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông góp phần rất quan trọng giúp đỡ lực lượng công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, giữ vững sự ổn định trật tự an toàn xã hội. Những mô hình, điển hình tiên tiến trong đấu tranh PCTP được báo chí tuyên truyền, góp phần nhân rộng, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tuy nhiên, theo Đại tá Trần Duy Thanh, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, do đặc thù trong công tác PCTP vừa công khai vừa bí mật dẫn đến việc cung cấp tài liệu cho cơ quan báo chí còn hạn chế. Vẫn còn không ít cán bộ công an ngại tiếp xúc với báo chí, không cung cấp tài liệu cho cơ quan báo chí vì coi đó là bí mật trong PCTP. Về phía cơ quan báo chí, vẫn còn tình trạng đăng tải quá nhiều các vụ tiêu cực, ít đưa gương người tốt; đưa tin quá sớm về nội dung vụ án (thậm chí lồng ghép nội dung chủ quan), gây hoang mang dư luận, làm lộ, lọt thông tin để đối tượng phạm tội chống đối hoặc tìm cách can thiệp, dễ tạo ra hoài nghi trong công luận…

Để nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí trong đấu tranh PCTP, nhà báo Nguyễn Quang Vũ, Ban biên tập tin trong nước - Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, Bộ Công an cần chỉ đạo kịp thời việc cung cấp thông tin cho báo chí đối với những vụ án, vụ việc phức tạp được đông đảo dư luận quan tâm để báo chí có thể nhanh chóng cung cấp thông tin chuẩn xác tới bạn đọc. Mặt khác, muốn "Nâng cao vai trò báo chí, truyền thông trong PCTP, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" đòi hỏi sự phối hợp giữa báo chí và lực lượng công an phải chặt chẽ và thường xuyên. Có như vậy việc chuyển tải thông tin đến người dân mới bảo đảm sự trung thực, đồng thời có tính định hướng và nhân văn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo chí xung kích trong phòng, chống tội phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.