Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo chí thích ứng với chuyển đổi số

Hoàng Lân| 21/06/2022 06:16

(HNM) - Sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ quan báo chí gặp không ít khó khăn, đặc biệt về kinh tế báo chí. Trong bối cảnh ấy, chuyển đổi số được xem là vấn đề cần thiết và cấp bách để các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng nội dung, nghiệp vụ, nhằm thu hút độc giả, từng bước khắc phục khó khăn.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Thách thức và thời cơ

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực cho nhiều ngành, nghề, trong đó có báo chí. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động báo chí, nhất là kinh tế báo chí, thể hiện ở việc quảng cáo, doanh thu sụt giảm, khiến nhiều cơ quan phải cắt giảm nhân sự…

Theo số liệu của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2019, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in đi xuống, nguồn thu giảm 3,9% so với năm 2018. Từ đầu năm 2020 đến nay, dù chưa có thống kê đầy đủ, song doanh thu của nhiều cơ quan báo chí giảm tới 50%, thậm chí có nơi giảm tới 60-70%.

Tại Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức vào giữa tháng 6-2022, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Lâm cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với sự bùng nổ truyền thông mạng xã hội, xu hướng truyền thông hội tụ, đa phương tiện có tác động mạnh mẽ tới hệ thống báo chí Việt Nam. Đây là thách thức rất lớn, song cũng là thời cơ để các cơ quan báo chí chuyển mình. “Để phát triển kịp với xu hướng thông tin của bạn đọc, các cơ quan báo chí đã bước vào một cuộc đua mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng”, ông Nguyễn Thanh Lâm nói. Còn Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định: “Các cơ quan báo chí phải chuyển đổi số, đón đầu công nghệ mới để giữ chân bạn đọc, tăng doanh thu”.

Tính đến ngày 30-11-2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816 (số cơ quan báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình báo in và điện tử là 230; báo điện tử độc lập là 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh. Một số cơ quan báo chí đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata..., trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại, như: Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV, VnExpress...

Hướng đến nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại

Một trong những phương hướng, nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 là tiếp tục triển khai quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Liên quan tới mục tiêu này, việc chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí không chỉ là thay đổi về công nghệ, mà còn giúp thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, thực tế, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số, cho rằng đầu tư thiết bị công nghệ và một số chương trình phần mềm là đã trên con đường chuyển đổi số. “Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề con người, tư duy. Việc này cần nhiều yếu tố, trong đó lãnh đạo am hiểu chuyển đổi số sẽ giúp chuyển đổi số thành công. Đồng thời, các cơ quan báo chí phải đào tạo cán bộ, phóng viên hiểu và sử dụng thành thạo công nghệ”, nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.

Bàn về giải pháp xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp cũng như thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội Tô Quang Phán cho rằng, không có mô hình chung cho các đơn vị, bởi mỗi cơ quan có đặc thù, khả năng tài chính khác nhau. “Mỗi cơ quan báo chí cần có bài toán phù hợp với nguồn lực và nhân lực để thực hiện chuyển đổi số. Các đơn vị cần thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng trong việc ứng dụng công nghệ”, nhà báo Tô Quang Phán phân tích.

Hiện tại, báo chí Thủ đô có 9 cơ quan; trong đó, nhiều tòa soạn đang từng bước tổ chức mô hình tòa soạn hội tụ, phát triển các loại hình báo chí hiện đại, gồm: Báo in, báo điện tử, truyền hình… Nhiều cơ quan báo chí Thủ đô có tác phẩm được thể hiện bằng hình thức hiện đại: E-Magazine, Megastory, Inphographic, Longform… và được trao giải báo chí quan trọng của Trung ương và thành phố, như Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hànộimới, Báo Kinh tế và Đô thị…

“Báo chí Thủ đô đang hòa cùng báo chí cả nước nỗ lực ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong thời gian tới, Hội Nhà báo Hà Nội tiếp tục tổ chức tập huấn cho các hội viên, giúp họ trau dồi nghiệp vụ, bản lĩnh người làm báo để thích ứng với thời đại công nghệ số”, nhà báo Tô Quang Phán cho biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo chí thích ứng với chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.