(HNM) - Ngay sau khi giá điện, xăng dầu tăng, giá giấy các loại cũng tăng bình quân 5% và còn có xu hướng tăng cao vì giá bột giấy, giá than đều tăng. Mặc dù lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm, nhưng do ảnh hưởng của tỷ giá ngoại tệ và giá các loại nguyên nhiên liệu đầu vào liên tục tăng cao nên các nhà sản xuất trong nước đã tăng giá giấy 2 lần trong 3 tháng đầu năm nay.
Giá giấy tăng cao, báo chí và in ấn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Bá Hoạt
Có thể nói chưa khi nào thị trường giấy lại "nóng" như hiện nay. Tất cả áp lực về tỷ giá, giá nguyên nhiên liệu đầu vào và lượng giấy nhập khẩu hạn chế đã làm cho nhu cầu giấy tại Việt Nam được ví giống như một viên đại bác bay vọt khỏi nòng súng.
Thị trường bột giấy tiếp tục sôi động khi nhiều nhà cung cấp thông báo tăng giá bán trong tháng 3. Nhà sản xuất West Fraser cho biết sẽ tăng giá bột kraft gỗ mềm tẩy trắng phía Bắc (NBSK) lên 30 USD/tấn từ ngày 1-3. Như vậy mức giá mới của bột NBSK sẽ là 990 USD/tấn ở Bắc Mỹ, 980 USD/tấn ở châu Âu và 890 USD/tấn tại Trung Quốc. Một số doanh nghiệp (DN) khác cũng tăng giá bán trong tháng 3 gồm Botnia, Canfor Pulp, Domtar, Mercer International và Sodra...
Tháng 1-2011, các DN sản xuất vừa và nhỏ tăng giá ở mức vừa phải vì cả hai đơn vị giấy lớn nhất nước là Tổng Công Ty Giấy Việt Nam (TCT) và Tân Mai vẫn chưa có động thái nào. Nhưng sang tháng 2, tình hình hoàn toàn thay đổi khi Tân Mai công bố tăng giá trung bình 10% và TCT tăng trung bình 5,7% cho tất cả các loại giấy in, viết. Lần tăng giá thứ nhất, TCT thông báo kể từ ngày 1-3-2011 điều chỉnh giá bán giấy Bãi Bằng các loại tăng bình quân 5,7% (chưa bao gồm thuế VAT); lần tăng giá thứ hai, TCT thông báo từ ngày 15-4-2011 sẽ điều chỉnh giá bán các loại giấy in và viết tăng bình quân 5,7% (chưa bao gồm thuế VAT). Theo báo giá ngày 12-3-2011 của Công ty CP Tập đoàn Tân Mai, giá giấy in báo được tăng lên 15,3 triệu/tấn (chưa bao gồm VAT); báo giá ngày 5-4-2011, giá giấy in báo tăng lên 16,1 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).
Nhu cầu giấy in, viết cho năm 2011 được diễn giải là do nguồn cung vốn khan hiếm (mức tự cung của giấy in, viết 70-75%) lượng giấy nhập khẩu càng khan hiếm hơn khi nhu cầu ngày càng được đẩy lên. Với tình hình giá cả nguyên nhiên liệu đầu vào và tỷ giá như hiện nay, giá bán bình quân cho một tấn giấy in, viết (định lượng 70gsm, độ trắng 90ISO) sẽ đạt mức trên 22 triệu đồng/tấn và mức giá này sẽ kéo đến hết quý III-2011. Giá giấy cuộn đã được hầu hết các nhà sản xuất tăng giá với mức từ 0,7-1triệu đồng/tấn. Giá giấy ram cũng liên tục tăng và trong vòng một tuần nay giá đã tăng lên 2.000-2.500đ/ram. Hiện nay, giá giấy các loại đã tăng thêm khoảng 5% và dự báo tiếp tục tăng trong quý III. Như vậy, giá giấy cuộn sẽ vượt mức 23,5 triệu đồng/tấn và giấy ram sẽ đạt kỷ lục 62.000đ/ram (đã bao gồm VAT).
Việc tăng giá giấy liên tục không chỉ tác động xấu đến các ngành in ấn, xuất bản... đặc biệt là lĩnh vực báo in, do hệ thống báo Đảng, báo của các tổ chức đoàn thể không thể tăng giá liên tục với lý do tăng giá giấy. Do vậy, giá giấy tăng càng gây khó khăn trực tiếp cho các cơ quan báo chí vốn đã rất khó khăn.
Hội nhập không chỉ là tăng giá
Năm 2011 là năm Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn vào WTO theo lộ trình cam kết. Điều đó có nghĩa, song hành với nhiều cơ hội, DN trong nước sẽ gặp nhiều thách thức, phải đối mặt với những "cuộc chơi" mang tính toàn cầu của những tổ chức lớn hơn, kèm theo đó là những rủi ro khó tránh. Nếu chậm trang bị, chuẩn hóa tiềm lực về vốn, về năng lực kỹ thuật, cũng như con người... thì những tổn thương sẽ càng nghiêm trọng.
Với ngành giấy, sự hồi phục chung của ngành giấy toàn cầu, những biến động nguyên vật liệu năm 2010 đang tiếp tục ảnh hưởng sang năm 2011. Sự chuyển mình của những nền công nghiệp giấy mới như Trung Quốc với những khoản đầu tư khổng lồ vào nhà xưởng thiết bị và sự hụt hơi của một số thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu… là những điều được các chuyên gia kinh tế dự báo về bức tranh ngành công nghiệp giấy trên bình diện toàn cầu.
Theo nhận định của ngành giấy, năm 2011 ngành sẽ chứng kiến những khoản đầu tư được thực hiện từ 2-3 năm trước bắt đầu phát huy hiệu quả bởi những nhà máy mới đạt tầm cỡ quốc tế về quy mô và kỹ thuật, vượt trội hơn những công nghệ hiện tại và thúc đẩy tính cạnh tranh. Người tiêu dùng sẽ có một năm "hưởng lợi" với nhiều sản phẩm mới, đa dạng và cao cấp hơn, thay thế phần lớn cấu trúc mặt hàng giấy, vốn ít biến động trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy khác xa so với nhận định trên. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm giá giấy đã tăng 2 lần. Điều dễ nhận thấy là do nguồn cung giấy của Việt Nam hiện còn rất thấp, trên 50% nhu cầu giấy vẫn phải nhập khẩu, tiềm năng sử dụng lại rất lớn. Hiện nay, ở các nước, 70% nguyên liệu sản xuất giấy là giấy đã qua sử dụng. Tại Việt Nam, tỷ lệ thu hồi giấy loại để tái chế chỉ đạt 25% và chiếm 50% tổng lượng giấy loại đã tái chế (còn lại là nhập khẩu).
Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 4 triệu hécta đất rừng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất khoảng 12 đến 20 triệu tấn bột giấy/năm. Song do thiếu các nhà máy sản xuất bột, nên Việt Nam thừa gỗ phải xuất khẩu và đang đứng thứ 2 sau Australia về lượng dăm gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, hàng năm phải nhập khẩu trên 100.000 tấn bột kraft tẩy trắng và khoảng 200.000 tấn giấy các loại. Bên cạnh đó, những DN đang đầu tư mạnh cho công nghệ, sản xuất sẽ khó trụ được trong điều kiện hiện nay, khi lãi suất quá cao, cũng như phải chịu nhiều rủi ro từ tính bất ổn do thiếu quy hoạch phát triển dài hạn của từng khu vực, từng ngành.
Ngoài việc cần "bình ổn" giá các mặt hàng thiết yếu, Nhà nước cũng nên có biện pháp "bình ổn" giá giấy để gỡ khó khăn cho ngành in ấn, xuất bản và báo chí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.