Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước bằng cả ý chí, bản lĩnh

Hiền Lương| 02/06/2014 06:11

(HNM) - Những ngày vừa qua, nhiều nhà báo thuộc các cơ quan thông tin đại chúng của cả nước, trong đó có Báo Hànộimới, đã bất chấp hiểm nguy có mặt tại vùng biển Hoàng Sa, phản ánh việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.



Bên lề vòng chấm chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ VIII ngày 1-6, trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Thế Kỷ khẳng định, báo chí là một trong 4 mặt trận quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông của chúng ta hiện nay.

- Đồng chí có thể đánh giá về sự vào cuộc của báo chí trong những ngày qua cùng với cả nước kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam?

- Báo chí nói chung đã thực sự vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước không chỉ bằng ngòi bút mà còn bằng ý chí, bản lĩnh. Tôi biết rằng anh em phóng viên đi ra khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan hầu hết đều say sóng, có những người không ăn được. Nhưng khi sự kiện xảy ra, khi thấy tàu Hải giám của Trung Quốc gây hấn, đâm va tàu của ta thì anh em vùng dậy cầm máy ảnh, máy quay phim tác nghiệp ngay. Điều khâm phục nhất là ở khu vực nóng như thế còn có cả những nhà báo nữ. Người làm báo chúng ta biết rõ là ra khu vực đó có thể bị thương tích, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tất cả đều vững vàng, bám trụ trên hiện trường, đưa được những hình ảnh chân thực nhất, nóng bỏng nhất về cuộc đấu tranh của chúng ta trên thực địa để công chúng trong nước và quốc tế hiểu rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta.

- Báo chí có vai trò như thế nào trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc?

- Trong cuộc đấu tranh đòi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, chúng ta xác định 4 mặt trận. Mặt trận quan trọng nhất là đấu tranh chính trị - ngoại giao; mặt trận thứ hai là đấu tranh trên thực địa; mặt trận thứ ba là báo chí; mặt trận thứ tư là đấu tranh pháp lý có thể chúng ta sẽ mở ra. Mặt trận báo chí hết sức quan trọng. Qua kênh báo chí, cuộc đấu tranh ngoại giao, trên thực địa lan tỏa ra trong nước và nước ngoài. Chưa bao giờ chúng ta huy động đông đảo lực lượng báo chí tham gia như vậy. Báo chí quốc tế cũng đã chia sẻ với chúng ta trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này.

- Trong phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo phải làm sao để thông tin một cách nhanh nhất ra bên ngoài. Xin đồng chí đánh giá về hiệu quả thông tin đối ngoại hiện nay?

- So với mong muốn, chúng ta chưa thực sự hài lòng, nhưng chúng ta đã đưa được rất nhiều thông tin bằng các kênh đối ngoại như tiếng Anh, tiếng Trung Quốc ra bên ngoài, tạo được hiệu ứng rất lớn. Những hình ảnh trên báo, trên truyền hình của chúng ta được rất nhiều cơ quan báo chí nước ngoài khai thác sử dụng. Vừa rồi kênh truyền hình nổi tiếng thế giới CNN đã phỏng vấn đại sứ ta ở Mỹ, phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quang Vinh, đại sứ ta ở Indonesia cũng có bài viết phản bác lại luận điệu của Trung Quốc rất hiệu quả... Phóng viên Việt Nam ở các nơi trên thế giới cũng đưa được tin tức rất chính xác, nóng bỏng. Ngoài ra, các phóng viên quốc tế đều thấy rõ sự thật, thấy bên nào là chính nghĩa và đã thông tin ủng hộ chúng ta.

- Thông tin đến với nhân dân Trung Quốc dường như vẫn rất khó khăn?

- Trong thời đại bùng nổ thông tin, chúng ta có thể đưa thông tin ra bên ngoài rất nhanh, nhưng các nước họ cũng có cách ngăn cản thông tin của chúng ta. Ở Trung Quốc, hiện nay thông tin của chúng ta cũng bị ngăn chặn; một số chính khách, nhà nghiên cứu, nhà báo Trung Quốc có tiếng nói chính nghĩa, phản đối hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép đã bị phong tỏa trang cá nhân… Nhưng chúng ta sẽ kiên trì và làm nhiều cách để nhân dân Trung Quốc hiểu được sự thật.

- Chắc chắn cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta còn nhiều khó khăn, báo chí cần phải làm gì trong thời gian tới?

- Báo chí phải làm sao để nhân dân trong nước thấy rằng đây là cuộc đấu tranh lâu dài. Chúng ta phải yêu nước đúng cách. Việc của chúng ta lúc này là phải chăm lo hơn trong lao động, công tác, học tập, huấn luyện… Mỗi người cần làm thật tốt nhiệm vụ của mình, cùng đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị… Những sự việc rất đáng tiếc xảy ra ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh… là bài học đau xót không thể lặp lại.

- Liều lượng trên các báo về đấu tranh chủ quyền như vừa qua đã phù hợp chưa thưa đồng chí?

- Tôi cho rằng chủ đề biển đảo luôn chiếm vị trí trang nhất của các báo, các khung giờ quan trọng của đài phát thanh, truyền hình như vừa qua là rất cần thiết. Tuy nhiên, báo chí chúng ta tập trung cho đấu tranh chủ quyền biển đảo, nhưng cần xác định rằng chủ đề nổi bật vẫn là phát triển kinh tế. Vì chính phát triển kinh tế mới làm cho đời sống chúng ta khá lên, đất nước mới có thêm nguồn lực để đầu tư cho quốc phòng, an ninh. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

- Xin cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước bằng cả ý chí, bản lĩnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.