Trang ASEAN Post ngày 9-4 đăng bài viết kêu gọi các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như nhiều nước trên thế giới có thể học hỏi từ phản ứng nhanh chóng của Việt Nam. Mặc dù có nguồn lực hạn chế, Việt Nam đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Theo bài viết, so với các quốc gia thành viên ASEAN khác như Malaysia và Indonesia... có hàng nghìn ca mắc Covid-19 và hàng trăm ca tử vong, số lượng ca nhiễm bệnh ở Việt Nam tương đối thấp và hiện chưa có ca tử vong nào.
Bài báo cũng đề cập tới biện pháp xét nghiệm nhanh, đồng thời dẫn lời Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long khẳng định với công chúng và giới truyền thông rằng Việt Nam không thiếu bộ test chẩn đoán vi rút SARS-CoV-2. Ngoài 200.000 bộ xét nghiệm Covid-19 nhanh mua của Hàn Quốc, Việt Nam cũng đã tự sản xuất bộ xét nghiệm riêng có thể giúp chẩn đoán Covid-19 chỉ trong một giờ.
Việt Nam đã chuẩn bị kỹ mọi phương án ứng phó với sự bùng phát của dịch bệnh trước cả khi phát hiện các trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên. Hiện Việt Nam có 21 cơ sở y tế trên khắp cả nước được cho phép xét nghiệm Covid-19.
Báo FreeMalaysiaToday ngày 9-4 nhận định: "Những gì đang được làm ở Việt Nam nên được lấy làm ví dụ để giúp đỡ người nghèo".
Theo báo trên, trong bối cảnh khó khăn chung, một số nhà hảo tâm, tổ chức xã hội, cá nhân đã cung cấp gạo miễn phí cho những người có nhu cầu. Bài báo dẫn chứng ý tưởng độc đáo “gạo cung cấp miễn phí theo mô hình ATM” ở thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả khi gạo miễn phí đến được tay những người cần.
Người dân xếp hàng lấy gạo cũng đảm bảo giãn cách 2m. Bài báo khuyến nghị Malaysia cần học tập ý tưởng này nhằm giúp đỡ những người có nhu cầu và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm SARS-Cov-2.
Trước đó, Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của Canada cũng đăng bài đề cập đến những biện pháp thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Việc truy xuất nguồn gốc lây nhiễm chặt chẽ; xét nghiệm hàng loạt được xem là chiến lược được nhiều quốc gia áp dụng, nhưng Việt Nam lại tập trung nhiều hơn vào việc cách ly những người nhiễm bệnh và truy xuất các ca nhiễm thứ cấp F1, F2.
Quỹ trên đánh giá: “Việt Nam đã thực hiện truy xuất thành công thông qua xác minh nhanh những người từng tiếp xúc với các ca nhiễm bệnh dựa vào việc phân loại các trường hợp nhiễm bệnh, nghi nhiễm và phơi nhiễm Covid-19, và huy động nhanh chóng các nhân viên y tế, công an, quân đội và viên chức địa phương nhằm tiến hành truy xuất nguồn gốc".
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã áp dụng biện pháp giám sát chặt chẽ các ca nghi nhiễm. Bộ Y tế Việt Nam đã hợp tác với các công ty công nghệ để phát triển một hệ thống báo cáo trực tuyến các trường hợp nghi nhiễm và nhiễm vi rút SARS-CoV-2, cũng như những người có liên hệ chặt chẽ với họ được đưa vào cơ sở dữ liệu theo thời gian.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam (MIC) cũng giới thiệu một ứng dụng di động có tên NCOVI cho phép công chúng khai báo tình trạng sức khỏe hằng ngày.
Cũng liên quan đến cuộc chiến chống dịch Covid-19, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã đánh giá cao phản ứng nhanh chóng của Việt Nam. WEF lưu ý rằng với việc tổ chức tốt, triển khai nhanh chóng các biện pháp chống dịch hiệu quả, các nước trong khu vực và thế giới cần học hỏi từ những biện pháp phản ứng của Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.