(HNMĐT) - Nhiều chục năm, Hà Nội có một hàng chuyên làm bánh ga tô nổi tiếng, khó ai cạnh tranh được. Đó là nhà hàng của ngoại kiều lập ra từ khá lâu ở phố Tràng Tiền, là cửa hàng ăn Âu Bô đê ga, ở số nhà 57 phố Tràng Tiền.
Thế kỷ XX mới bắt đầu có bánh mì, mà đầu tiên còn gọi là bánh tây, giống như đường tây, vải tây, giấy tây… vì nó theo người phương Tây vào đây. Từ cách mạng năm 1945, kiêng chữ Tây, mới gọi là bánh mì, còn đường tây gọi là đường kính, giấy tây gọi là giấy thếp… Bánh mì là món quà, ăn lúc nào cũng được và ăn trừ bữa cũng đôi khi.
Ngoài bánh mì, Hà Nội có lẽ là địa phương đầu tiên có các thứ bánh ngọt châu Âu xuất hiện, mà sau này ta gọi chung là bánh ga tô.
Nhiều chục năm, Hà Nội có một hàng chuyên làm bánh ga tô nổi tiếng, khó ai cạnh tranh được, lúc đầu chỉ là món quà sang trọng của một số người thuộc tầng lớp trên, sau nó phổ biến dần sang các tầng lớp khác. Đó là nhà hàng của ngoại kiều lập ra từ khá lâu ở phố Tràng Tiền, là cửa hàng ăn Âu Bô đê ga, ở số nhà 57 phố Tràng Tiền.
Hàng cơm tây này chuyên kinh doanh các món châu Âu như bíp-tếch, gà hầm, súp bò, súp thỏ ăn với bánh mì…như vậy càng không thể thiếu các loại bánh ngọt cao cấp mà người châu Âu quen dùng sau món ăn chính của bữa cơm tây.
Trong khi các phố khác như Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Than có các cửa hàng bán các loại bánh ngọt truyền thống như bánh khảo, bánh đậu, bánh cốm, bánh gai, bánh xu xê… ai muốn ăn bánh ngọt kiểu châu Âu ắt phải tìm đến phố Tràng Tiền mà mua ở cửa hàng Bô đê ga, mà phố Tràng Tiền cũng là phố Tây điển hình của Hà Nội suốt một thời kỳ dài hàng trăm năm.
Thông thường có bánh su kem, mỗi chiếc bánh là một nắm hơi tròn, gần giống chiếc bắp cải nên có tên như thế (choux- tiếng Pháp là chiếc bắp cải), trong bánh có kem làm bằng bột mì ngào đường trộn bơ, mềm mại dễ ăn, khác hẳn chất dai dai của cùi bánh phía ngoài. Trên mặt bánh có một chút đường cô đặc, ngọt sắc. Sang hơn và ngon hơn là bánh mô ka bơ, ruột là bánh ga tô, ngoài nhiều lớp kem làm từ bơ ra, có màu sắc vui mắt. Có loại gọi là bánh ga tô thôi vì nó chỉ là một miếng bánh ga tô cắt từ chiếc bánh ga tô to trong khuôn lớn ra. Có loại là bánh ga tô làm mỏng rồi cuộn lại, gọi là bánh ga tô cuộn. Có khi là bánh ga tô cắt chéo thành hình tam giác hoặc hình thoi. Có thời kỳ cửa hàng cải tiến, bánh mô ka bơ trộn bột ca cao thành bánh xúc cù là, hoặc bánh su kem được nặn theo hình hơi dài, trên phết bột xúc cù là, gọi là bánh xúc cù là… Mấy thứ này đều có cốt lõi là bánh ga tô. Ga tô là bột mì trộn trứng và đường, cho thêm bột nở, nó chín thì nở phồng lên, ăn xốp và mềm. Từ bánh ga tô này người ta dễ chế biến thành nhiều kiểu ga tô khác với màu sắc, hình hài và hương vị khác nhau. Mà có thời kỳ các cô mậu dịch viên gọi là bánh “Ca tô”- một chữ không có ý nghĩa gì cả.
Có một loại bánh khác còn gọi là min phơi, là thứ bánh hình chữ nhật, do nhiều lớp chồng lên nhau mà thành, ăn hơi khô nhưng bùi bùi, thú vị…
Không hiểu do bí mật kỹ thuật hay do ít khách mà cho đến những năm trước thập kỷ 60, ngoài cửa hàng Bô đê ga không thấy có cửa hàng bánh Âu nào trên phố khác.
Khách đến đây, thấy có một bà trung niên đứng bán bánh, bao giờ cũng hỏi: “Ông (hay bà) xơi ở đây hay về ạ?”. Nếu khách nói mua về thì bao giờ bà cũng lấy giấy ra gói khẽ khàng, cẩn thận, không làm bẹp chiếc bánh hoặc làm nát mặt kem của chiếc bánh. Còn nếu khách nói ăn ngay thì bà dùng chiếc kẹp bằng nhôm gắp bánh lên chiếc đĩa xinh xinh. Đến khi cửa hàng trở thành mậu dịch, bà bán hàng ấy nghỉ hưu, thói quen đó mới mất đi theo bà. Các cô mậu dịch viên trẻ có khi còn cãi nhau với khách, không gói bánh cho khách. Một thời khó khăn, cửa hàng này còn làm loại bành mì sấy khô gọi là bít cốt, người Hà Nội có thể mua làm quà gửi về các nơi sơ tán cho trẻ nhỏ. Đây là loại bánh mì đầu thừa đuôi thẹo, bánh ra lò nhưng loại mù, khoèo được cắt mỏng cho vào lò sau khi tẩm thêm một ít nước đường cho dễ ăn, nó là một loại lương khô dễ ăn, dễ bảo quản, dễ mang đi đường xa, được nhiều người ưa thích.
Nhà hàng Bô đê ga lúc đầu chủ nhà hàng là người Pháp, sau chuyển sang một người Ấn kiều, rồi từ đó vào công tư hợp doanh, thành cửa hàng mậu dịch. Nền nếp đã thay đổi nhiều, nhưng vẫn giữ được kỹ thuật làm các món bánh ngọt châu Âu, là hình ảnh quen thuộc của nhiều thế hệ người Hà Nội. Mới gần đây thôi, bước sang thế kỷ XXI, Bô đê ga mới kinh doanh cả phở, mỳ, bánh bao và các mặt hàng bánh ngọt Việt
Bô đê ga của thế kỷ trước đã thành Bô đê ga mới, thay đổi hoàn toàn, từ chủ cửa hàng đến nhân viên bán hàng và các mặt hàng bán ra trong đời sống ẩm thực của Hà Nội.
Và ngày nay, các mặt hàng bánh Âu không còn xa lạ với bất kỳ người Việt nào. Phong tục mừng sinh nhật phát triển, mặt hàng bánh ga tô cũng phát triển theo. Nếu một hôm nào ta đi qua phố Thợ Nhuộm, sẽ thấy bạt ngàn các tủ kính bày đủ loại bánh ga tô phục vụ sinh nhật, lễ cưới… to nhỏ, màu sắc, giá tiền khác nhau. Ngoài phố này các phố khác cũng có những nhà chuyên làm bánh ngọt đã được tín nhiệm, khách có thể đặt mua theo ý thích, đặt giờ lấy bánh, viết chữ bằng kem lên mặt bánh…
Bánh ngọt đã là món ăn quen thuộc của quảng đại người dân, và tự nhiên, nhà hàng Bô đê ga mất vị trí độc tôn như nửa thế kỷ trước nó có.
Những Hàng Bún, Hàng Bông, Cửa
ít ai còn nhớ đến một cửa hàng Bô đê ga nằm ở Tràng Tiền một thời nổi danh về món ăn ngon và sang trọng là bánh châu Âu nữa. Phải chăng nó đã làm xong sứ mệnh của nó, để nhường chỗ cho một thời kỳ Hà Nội bước sang trang mới?
Nhắc đến đời sống Hà Nội, chẳng lẽ lại quên đi một nét bình dị, thông thường, như một thói quen ăn bánh ngọt kiểu châu Âu của mấy thế hệ trước đây?
Một món như phở ngày càng phát triển, như món bún ốc ngày càng cải tiến, như chiếc áo, chiếc váy đã đi khác xa những ngày mới ra đời, thì có nên nhắc lại vài ba nét từng là độc đáo của một quãng thời gian dài và ngắn tuỳ theo, mà ngày nay nó đang thay đổi, biến dạng đi?
Ghi lại nó cũng là một niềm vui nho nhỏ chăng?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.